Hình ảnh

Hình ảnh
Ảnh Đỗ Võ Cẩm Thạch

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Truyện ngắn - đặc trưng thể loại


Đỗ Ngọc Thạch


PB&TL của Đỗ Ngọc Thạch

Truyện ngắn - đặc trưng thể loại - Đỗ Ngọc Thạch | Blog | Tamtay.vn

blog.tamtay.vn/entry/view/713361
8 Tháng Mười 2011 – Đặc trưng của từng thể loại văn học và sự tác động qua lại, mối quan hệ giữa các thể loại trong tiến trình phát triển của văn học là những vấn ...

Truyện ngắn - Đặc Trưng Thể Loại - Đỗ Ngọc Thạch

vothilan viết ngày 05/03/2012 |  Có 0 bình luận |  387 lượt xem

TRUYỆN NGẮN - ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI

ĐỖ NGỌC THẠCH

Đặc trưng của từng thể loại văn học và sự tác động qua lại, mối quan hệ giữa các thể loại trong tiến trình phát triển của văn học là những vấn đề cơ bản của lý luận văn học. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến thể loại truyện ngắn, một thể loại văn học được coi là “xung kích” của đời sống văn học, một thể loại có tính chất “thuốc thử” đối với hầu hết nhà văn trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy cam go… Về mối quan hệ của thể loại truyện ngắn với các thể loại văn học khác (như truyện vừa, tiểu thuyết, thơ và kịch nói) là vấn đề phức tạp và lý thú, song trong phạm vi một bài tiểu luận, chúng tôi chỉ chú ý đến những “mối quan hệ láng giềng” nào góp phần làm nổi rõ hơn đặc trưng loại biệt của thể loại truyện ngắn. Qua cách đặt vấn đề như trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý tưởng bao chùm của bài viết là: Truyện ngắn là một thể loại có đặc trưng loại biệt nhưng trong tiến trình phát triển chung của văn học, tính loại biệt của đặc trưng truyện ngắn không làm cho truyện ngắn xa rời, đứng biệt lập riêng một cõi, “bất hòa” với “hàng xóm láng giềng” mà chính sự tác động qua lại rất mạnh mẽ giữa các loại hình, thể loại đã làm cho thể loại truyện ngắn ngày càng trở nên hoàn hảo và ngày càng gắn bó chặt chẽ với các thể loại khác. Tính chất có vẻ “nghịch lý” này của thể loại truyện ngắn chính là bí ẩn kỳ diệu của thể loại mà ta cần đi sâu tìm hiểu.

*
Theo các sách giáo khoa chính thống hiện nay, Truyện ngắn được định nghĩa là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại của Truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn gọn. Bởi Truyện ngắn được viết ra để đọc liền một mạch. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn chưa phải là đặc điểm chủ yếu phân biệt truyện ngắn với các tác phẩm tự sự loại khác (các loại truyện kể dân gian cũng có độ dài tương đương với truyện ngắn). Hình hài của truyện ngắn hiện đại như ta thấy hiện nay là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt cuộc sống rất riêng, mang tính chất thể loại. Truyện ngắn xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử văn học. Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường chỉ hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế, trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới thì mỗi nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Có nghĩa truyện ngắn thường không nhắm tới việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế, chức năng của nó nói chung là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người. Kết cấu của truyện ngắn không chia thành nhiều tầng, nhiều tuyến mà thường được xây dựng theo nguyên tắc tương phản hoặc liên tưởng. Bút pháp trần thuật của truyện ngắn thường là chấm phá. Yếu tố quan trọng bậc nhất trong truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết. Trước khi đi vào tìm hiểu những “bí ẩn” của truyện ngắn, ta hãy nói vài nét về nguồn gốc và lịch sử phát triển của thể loại văn học độc đáo này.

*
Ở phương Tây (Âu, Mỹ), thể loại truyện ngắn ra đời tương đối muộn so với các thể loại khác, nó xuất hiện trên một tạp chí xuất bản đầu thế kỷ 19, phát triển lên đến đỉnh cao nhờ những sáng tác xuất sắc của văn hào E.T.A. Hoffmann (1) và Anton Chekhov (2), sau đó trở thành một hình thức nghệ thuật lớn của văn học thế kỷ 20.
Theo William Boyd (3), tìm hiểu nguồn gốc truyện ngắn là một vấn đề thú vị nhưng không ai chứng minh được một cách rành rọt, nhưng quy trình này đã giúp chúng ta lý giải được sức mạnh lạ lùng của truyện ngắn. Thể loại này tỏ ra gần gũi và tự nhiên với chúng ta hơn những hình thức truyện kể dài hơi khác. Nếu một câu chuyện diễn ra trong vài giờ liên tục, người nghe sẽ dần dà tản mát đi, bởi không ai đủ kiên nhẫn chờ cho đến hồi kết. Nhưng truyện ngắn thì lại diễn ra trong một thời gian ngắn và thường được kể một cách rất “chọn lọc”. Tính thuyết phục của sự hư cấu của truyện ngắn nằm ở sự nhỏ gọn nhưng đầy đủ của nghệ thuật trần thuật.
Trước đó, nghệ thuật trần thuật (kể chuyện) của truyện ngắn đã tồn tại dưới hình thức truyền miệng dân gian, nhưng chỉ đến khi có sự xuất hiện đông đảo của một tầng lớp độc giả biết đọc biết viết vào thế kỷ 19 ở phương Tây, nhu cầu in ấn và phổ biến thể loại này bằng văn tự mới ra đời. Tuy nhiên, cũng không có loại ấn phẩm nào đăng tải được những tác phẩm dài quá 5 trang sách. Sự giới hạn về kích cỡ này đã buộc các nhà văn phải “thu gọn” tác phẩm của mình với khuôn khổ mà tờ báo cho phép, thường là một trang báo. Độc giả cần truyện ngắn và nhà văn bỗng nhiên phát hiện ra mình có thêm một thể loại văn học mới để chuyển tải ý đồ nghệ thuật. Không hề lững chững lúc mới ra đời và cũng không cần phải mất hàng thế kỷ để hoàn thiện và phát triển. Như ta đã thấy, chỉ trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa thế kỷ 19, Hawthorne (4), Poe (5) Turgenev (6) đã có thể viết nên những truyện ngắn kinh điển có sức sống đến tận hôm nay. Giữa thế kỷ 19, truyện ngắn đã hiện rõ hình hài và cuối thế kỷ này truyện ngắn phát triển đến đỉnh cao hoàn mỹ với những truyện ngắn vào loại bậc thầy của Anton Chekhov.
Ai là người có công khai sơn phá thạch của thể loại truyện ngắn? Có ý kiến cho rằng công đầu là tác phẩm Chuyện mười ngày của Boccaccio (7). Nhưng người ta còn băn khoăn khi muốn nói: “Đây là một truyện ngắn hiện đại”. Nhiều người cho rằng đó là truyện ngắn The Two Drovers của Walter Scott (8) đăng trên một tờ báo của Canongate (Edinburgh, Scotland) năm 1827. Đó là một điểm khởi đầu hợp lý, vì sau truyện ngắn này, tên tuổi của Walter Scott vang dội khắp nơi, ảnh hưởng của ông không chỉ dừng lại ở những nhà văn trong nước như George Eliot (9)Thomas Hardy (10) mà còn vươn ra ngoài biên giới, tới Balzac (10*) (Pháp), Pushkin (11)Turgenev (Nga), Fenimore Cooper (12) Hawthorne (4) (Mỹ). Những nhà văn này tiếp tục để lại ảnh hưởng đến các cây bút về sau như Flaubert, Maupassant (13), Chekhov, Poe và Melville… Như vậy, chúng ta đã có thể lần tìm được dòng phát triển của truyện ngắn từ khởi nguồn của nó. Tuy nhiên, là sau sự khởi động của Scott, giữa thế kỷ 19, truyện ngắn Anh dường như biến mất trước sự thống trị của tiểu thuyết. Các nhà văn Pháp, Nga và Mỹ dường như tận dụng thể loại này một cách nhanh chóng hơn. Chỉ đến những năm 1880, với sự xuất hiện của Robert Louis Stevenson (14) , người ta mới thấy truyện ngắn hồi sinh lại ở Anh, kéo theo một dòng các nhà văn khác như Wells, Bennett, James và Kipling (15).
Vì vậy, từ những góc nhìn khác, có thể cho rằng, truyện ngắn hiện đại với hình hài và phẩm chất như hiện nay, là khởi đầu từ Mỹ. Một số ý kiến coi Twice-Told Tales xuất bản năm 1837 của Nathaniel Hawthorne là điểm bắt đầu. Khi Edgar Allan Poe đọc Hawthorne, ông đã có bài phân tích đầu tiên về sự khác nhau giữa truyện ngắn và tiểu thuyết với định nghĩa, truyện ngắn đơn giản là lối trần thuật khiến “độc giả có thể đọc liền một mạch”. Sự định danh đầu tiên của truyện ngắn này hoàn toàn không sơ sài như ban đầu nhiều người nghĩ. Điều Poe muốn nhấn mạnh là hiệu quả đặc biệt của truyện ngắn, cái mà ông nhận thấy một cách mạnh mẽ từ hình thức “tất cả trong một” của thể loại này. Poe viết tiếp: “Trong cấu trúc tổng thể của nó, không có một từ nào mà sự thể hiện khuynh hướng trực tiếp hoặc gián tiếp của nó không được nhà văn sắp đặt trước. Với ý nghĩa đó, bằng tài năng và sự chăm sóc kỹ lưỡng của nhà văn, tác phẩm như một bức tranh hiện lên với trọn vẹn màu sắc, đưa lại cho người đọc sự thỏa mãn đầy đủ nhất”. Poe đặc biệt chính xác khi bàn đến hiệu quả tự nhiên của thể loại này. Truyện ngắn thường mang lại những âm vang dài và rộng hơn khuôn khổ chật hẹp về mặt hình thức của nó. Điều này có thể được chứng minh bằng chính những truyện ngắn của Poe như The Fall of the House of Usher.
Herman Melville (*) không thích viết truyện ngắn. Herman Melville từng cho biết, ông viết thể loại này đơn thuần chỉ vì tiền, nhưng sự xuất hiện của Benito Cereno Bartleby the Scrivener của ông đã báo hiệu cho một thời đại mới của thể loại truyện ngắn.
Turgenev cũng có truyện ngắn xuất bản vào những năm 1850 và đóng góp lớn nhất của ông là đã khởi đầu cái dòng chảy mà Chekhov sẽ là người kết thúc. Tại sao Anton Chekhov lại được tôn vinh là một bậc thày của truyện ngắn. Mọi câu trả lời có thể đều không đầy đủ nhưng ở một khía cạnh nào đó có thể thấy, Chekhov với những kiệt tác ra đời vào những năm 1890 là người đã mang đến cuộc cách mạng trong quá trình phát triển của thể loại truyện ngắn bằng sự thay đổi phong cách trần thuật. Chekhov chính là người kết thúc cho giai đoạn phát triển đầu tiên của truyện ngắn. Từ sau cái chết của ông, truyện ngắn thế kỷ 20 hầu như phát triển dưới cái bóng khổng lồ mà nhà văn để lại. Joyce đi theo phong cách Chekhov, Katherine Mansfield (15*) chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Chekhov, Raymond Carver (**) thì hầu như sẽ không xuất hiện nếu như trước đó không có tác giả Phòng số 6. Có lẽ, truyện ngắn viết sau Chekhov đều bằng hình thức này hay hình thức khác “mang nợ” những tác phẩm của ông. Khoảng 20 năm cuối thế kỷ 20, các nhà truyện ngắn trên thế giới mới bắt đầu vượt thoát khỏi cái bóng của nhà văn Nga vĩ đại này.
Từ Chekhov đến đầu thế kỷ 20, truyện ngắn bước vào thời đại hoàng kim của nó, đặc biệt là ở Mỹ. Thể loại văn học này xuất hiện đậm đặc trên báo chí với sự đón nhận một cách háo hức của độc giả, nhuận bút dành cho tác giả ngày càng cao. Trong những năm 1920, chỉ một truyện ngắn của Scott Fitzgerald (***) từng được tờ Saturday Evening Post trả 4.000 USD.
Việc xuất hiện các tạp chí xuất bản định kì dành cho quần chúng và tầng lớp độc giả có học thuộc giới trung lưu trong nửa sau thế kỉ 19 đã dẫn tới cuộc bùng nổ thể loại truyện ngắn kéo dài chừng một thế kỉ ở Mĩ và Châu Âu. Thời kì đầu, đối với nhiều nhà văn, nhất là ở Mĩ thì đây là chính là biện pháp kiếm sống, Nathaniel Hawthorne, Herman MelvilleEdgar Allen Poe viết truyện ngắn để có điều kiện theo đuổi những tác phẩm dài hơi nhưng mang lại ít thu nhập hơn. Trong những năm 1920 F Scott Fitzgerald nhận được nhuận bút là bốn ngàn dollar cho một truyện ngắn đăng trên tờ Saturday Evening Post. Trong những năm 1950, John Updike chỉ cần in trên tờ New Yorker năm sáu truyện ngắn một năm cũng đủ nuôi vợ con rồi. Nhưng thời thế đã thay đổi. Mặc dù các tờ như New Yorker, Esquire và Play Boy vẫn trả khá (nhiều hơn các tạp chí tương tự ở Anh), không ai có thể làm được như Updike nữa.
Ở Trung Quốc và Nhật Bản, trước đây người ta vẫn coi truyện ngắn thuộc thể loại tiểu thuyết, được gọi là “tiểu thuyết đoản thiên” để phân biệt với loại tiểu thuyết chương hồi dài tập hay “tiểu thuyết trường thiên”.
Ở Việt Nam, truyện ngắn đầu tiên xuất hiện trên văn đàn là “Sống chết mặc bay!” của Phạm Duy Tốn (1881-1924), là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà báo, ông từng là thông ngôn ở tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Truyện ngắn “Sống chết mặc bay!” của ông được coi là truyện ngắn đầu tiên theo lối tây phương của văn học Việt Nam. Ngoài tên thật Phạm Duy Tốn, ông còn viết với các bút danh Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An. “Sống chết mặc bay!” được in trên báo Nam Phong tháng 12 năm 1918. Tác phẩm được giới thiệu một cách ấn tượng với người đọc: Dưới tiêu đề chữ to MỘT LỐI VĂN MỚI và lời giới thiệu đặc biệt của chủ báo Phạm Quỳnh, câu chuyện trải dài suốt ba cột báo. Nhiều người cho rằng Phạm Duy Tốn đã nhái lại truyện Le partie de billard (Ván bi-a) của Alphonse Daudet (16) xuất bản năm 1873. Tác phẩm này tả lại cảnh viên tướng chỉ huy chơi bi-a trong khi binh lính dầm mưa dãi gió ngoài mặt trận. Tuy nhiên, “Sống chết mặc bay!” cũng được lấy cảm hứng từ chính những trải nghiệm của Phạm Duy Tốn với trận lũ lịch sử ở Bắc Kì mà ông từng mô tả trong bài báo nổi tiếng Hoạn nạn tương cứu, chứ không chỉ là sự sao chép từ Le partie de billard của Alphonse Daudet. Sau truyện ngắn này, Phạm Duy Tốn không viết truyện ngắn nữa nhưng trên văn đàn văn học VN hiện đại đã xuất hiện nhiều nhà văn có tài và “có duyên” với thể loại văn học mới mẻ này như: Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, v.v…
Khi nghiên cứu sự phát triển của những thể loại trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, M.B. Khrapchenco (****) đã phát triển luận điểm của V.Bielinxki (*****) “…nếu như có những tư tưởng của thời đại thì cũng có những hình thức của thời đại”, ông lưu ý rằng, khi quan sát sự bộc lộ mối liên hệ với thời đại, với hiện thực lịch sử của sự phát triển của những thể loại, chúng ta phải thấy rằng sự phát triển các thể loại trong những thời kỳ lịch sử nhất định nằm trong mối tương quan nhất định với sự phát triển những khuynh hướng nghệ thuật, và cũng phải chú ý đến sự không đồng đều độc đáo của quá trình phát triển nghệ thuật, nghĩa là trong khi một số thể loại này sống không lấy gì làm lâu thì những thể loại khác, tuy có sự biến đổi cơ bản, lại chứa đựng nội dung xung đột của những thời đại khác nhau.
Truyện ngắn, một thể loại mà nếu nhìn thuần túy hình thức bên ngoài thì dường như nó không thay đổi, nhưng nếu nghĩ rằng nó phải chứa đựng nội dung xung đột của những thời đại khác nhau thì ắt nó sẽ có biến đổi gì đây? Rõ ràng, cái biến đổi cơ bản vừa nói trên đối với thể loại truyện ngắn, nó thuộc về cấu trúc nội tại của thể loại này. Điều này phù hợp với luận điểm khá thịnh hành hiện nay : về phương diện lịch sử, thể loại là một cấu trúc biến đổi. Vậy thì ta hãy xem cái biến đổi ấy nó tuân thủ nguyên tắc nào để nó đủ sức chứa đựng được những tư tưởng mới của thời đại mới.
Trong lịch sử phát triển của thể loại, bên cạnh việc xuất hiện những loại hình, thể loại mới, khái niệm đổi mới sáng tạo của nghệ thuật bao hàm sự đạt tới một cách hoàn mỹ của một loại hình, thể loại nào đó. Nói cách khác, mỗi loại hình, thể loại luôn vận động để tự làm giàu mình đồng thời tác động qua lại lẫn nhau để đạt tới sự hoàn mỹ cao hơn – trở thành những “khuôn vàng thước ngọc” của nghệ thuật.
Mỗi loại hình, thể loại cần có tên gọi, khuôn mặt của nó. Có rất nhiều định nghĩa về truyện ngắn. Victor Sawdon Pritchett CH CBE (1900 – 1997) coi truyện ngắn là “một điều gì đó thoáng trông thấy khi ta đi ngang”. Còn John Updike (17) thì nói: ”Đấy là các tác phẩm dài vài ngàn từ, được viết trên cơ sở kinh nghiệm trực tiếp của tôi hơn là tiểu thuyết: chúng chứa đựng những cuộc phiêu lưu, những khó khăn, những giây phút khủng hoảng và niềm vui của chính tôi”. Với “diện mạo” của truyện ngắn, người ta dễ thống nhất ở quan niệm: “ Đối với truyện ngắn hay, có một vấn đề đặc biệt quan trọng, đó là bảo vệ cho được tính xác định về mặt thể loại. Truyện ngắn cần phải cô đọng đến mức cao nhất. Vấn đề số một đối với nó là vấn đề dung lượng – “tất cả trong một”. Nhà văn có tài, có phẩm chất sáng tạo chính là người chấp nhận tự nguyện và thoải mái những nguyên tắc sắt đá của thể loại. Trong quá trình chấp nhận lề luật đó, chính là anh ta đã làm cho những nguyên tắc sắt đá đó trở nên hoàn mỹ. Thể loại càng đẹp, càng tinh xảo, tư tưởng càng sâu sắc, càng lớn lao.
Khi cầm bút, vấn đề viết cái gì đây dần dần sẽ được chuyển thành vấn đề lựa chọn thể loại nào? Sẽ không thể viết nổi nếu không nắm vững nguyên tắc của thể loại và điều đó không chỉ là vấn đề nghề nghiệp đơn thuần mà còn là một yếu tố quan trọng để cùng với tư tưởng tình cảm hình thành nên cảm hứng sáng tạo, hình thành nên “tia chớp” cảm hứng để nhà văn cất cánh bay vào bầu trời sáng tạo nghệ thuật.
Chọn thể loại cho phù hợp với ý đồ tư tưởng là khâu đầu tiên đặc biệt quan trọng của quá trình sáng tạo. Với ý nghĩa này, bản thân thể loại – hình thức, đã thể hiện sự đòi hỏi phải phù hợp với chủ đề tư tưởng – nội dung. Luận điểm về mối quan hệ hữu cơ giữa hình thức và nội dung thể hiện rõ ngay ở khâu đầu tiên này. Ý tưởng này được nhà thơ Raxun Gamzatop (18) nói bằng hình ảnh độc đáo và giản dị:
“Kẻ ngu làm kinh ngạc bằng tiếng gào
Người thông minh làm kinh ngạc bằng câu tục ngữ dẫn ra đúng chỗ.
Mùa xuân đã đếnhãy hát bài ca
Mùa đông đã đến – hãy kể chuyện cổ tích
Trong lịch sử phát triển lâu dài của nghệ thuật văn chương nhân loại, có rất nhiều ví dụ về những nhà cách tân lớn mà bằng tài năng độc đáo của mình đã đưa thể loại truyện ngắn đến những đỉnh cao rực rỡ của sự hoàn mỹ. Tính cách tân của các thiên tài là làm phong phú, đa dạng thể loại đồng thời tiến tới khẳng định những nguyên tắc cơ bản, những quy định ngặt nghèo và khắt khe của sáng tạo nghệ thuật ở thể loại truyện ngắn.
K. Pauxtopxki (19), nhà cách tân độc đáo, người thầy dạy nghề cỡ lớn đã nói về điều này: “Mỗi nhà văn, kể cả những người muốn viết truyện ngắn một cách hoàn toàn thoải mái, đều không khỏi có lúc phải nghĩ về những nguyên tắc sắt đá, những “qui luật vàng” được viết trong các sách giáo khoa văn học. Những qui luật đó cố nhiên rất hay. Chúng buộc những ý tưởng còn lờ mờ trong đầu óc nhà văn phải cập bến những ý đồ chính xác và sau đó, nhịp nhàng đi tới những khâu cuối cùng, tới sự hoàn thiện của tác phẩm, cũng như con sông mang nước của mình tới biển”.

Thông thường, người ta chỉ chú ý đến tính chất tự sự (kể chuyện) của truyện ngắn, tệ hơn là coi truyện ngắn như một thứ văn xuôi “nôm na mách qué”, hoặc thứ văn xuôi “bò sát ngọn cỏ”!…Đó là một quan niệm sai lầm. Truyện ngắn đích thực không bao giờ là những chuyện vặt vãnh mà mỗi chi tiết dù nhỏ bé cũng ẩn tàng hơi thở của thời đại, nỗi đau, niềm vui của nhân thế… Những cách tân, sáng tạo của các nhà văn bậc thầy về truyện ngắn đã khẳng định rằng, truyện ngắn, về tạng chất của nó rất gần với thơ, thậm chí có thể nói một cách không đến nỗi quá đáng rằng, truyện ngắn là một dạng cấu trúc đặc biệt của thơ. Với ý nghĩa ấy, truyện ngắn có vị trí cao cả đặc biệt ở ngay cả trong “bầu trời Thi ca” mà lâu nay thơ ca độc tôn ! Về điều này, cũng K.Pauxtopxki có ý kiến tuyệt hay: “…Cái chính là ở chỗ khi văn xuôi đã đạt tới mức hoàn thiện toàn mỹ thì về bản chất nó đã thật sự là thơ!”. Và chính những truyện ngắn của K.Pauxtopxki là sự chứng minh rõ ràng ý tưởng đó: được cảm hứng trữ tình sâu lắng dẫn dắt, những câu chuyện rất giản dị mà Pauxtopxki kể ra đã mất đi cái chất nôm na ngày thường của nó mà lấp lánh cái cấu trúc kỳ ảo của những tứ thơ thể hiện những nỗi niềm ưu tư, trắc ẩn về số phận con người, thời đại…
Cần lưu ý rằng, cái nghĩa Thơ được nói đến ở đây cần được hiểu là chất trữ tình sâu lắng của những trạng huống, của những tâm trạng nhân vật trong truyện ngắn (chứ không phải là những sự uốn éo cầu kỳ trong câu văn, sự lòe loẹt trong tả cảnh…), là sự cao đẹp của tư tưởng thẩm mỹ khả dĩ có sức mạnh chắp cánh mà nâng cao tâm hồn người đọc thoát khỏi những sự níu kéo của cái “trần tục” ở đời thường đặng vươn tới những ý tưởng đầy nhân văn và sáng tạo. Với ý nghĩa ấy, chất thơ của truyện ngắn chính là cái tâm trong sáng mà đầy nặng sự ưu thời mẫn thế của nhà văn.
Như vậy, khi đạt tới đỉnh cao sáng tạo, thơ và truyện ngắn đã gặp nhau hòa thành đám mây ngũ sắc kỳ diệu! Đây chính là đầu mối để ta lần tìm về đặc trưng loại biệt của thể loại truyện ngắn. Bởi vì, chỉ có đứng ở nơi hội tụ của sáng tạo nghệ thuật này, ta mới nhìn rõ những nguyên tắc sắt đá, những qui luật vàng của thể loại truyện ngắn!
Ta hãy trở lại câu hỏi “Truyện ngắn là gì?”. Như trên vừa nói thì có phải chăng truyện ngắn là thơ, một dạng thơ đặc biệt – thơ văn xuôi ? Đó cũng là một ý, song chưa vội, hãy trở lại với cái tên gọi của nó : Truyện ngắn!
Tên gọi truyện ngắn đã thể hiện khá rõ diện mạo của nó : truyện ngắn thì phải là truyện… ngắn! Không cần phải dùng lối chiết tự hoặc tìm tra cái ngữ nghĩa xa xưa của thuật ngữ “truyện ngắn” như nhiều người đã làm, mà ta hãy cứ nhìn vào phương thức tồn tại và cái hình hài ngắn gọn đến ngạc nhiên của những truyện ngắn kiểu mẫu của các bậc thầy, sẽ có ngay được ý niệm cơ bản khá chính xác về truyện ngắn : đó là một kỳ quan nghệ thuật bé nhỏ nhưng có sức chấn động phi thường!
Một số người dựa vào chính cách tồn tại của truyện ngắn để giải thích những đặc điểm của thể loại. Đây là một hướng tiếp cận tốt. Bởi vì từ khi ra đời cho đến nay (truyện ngắn hình thành gắn liền với sự ra đời của báo chí), truyện ngắn ngày càng khẳng định rõ chức năng của nó ở cả hai phương diện báo chí và văn chương. Môi trường sống của truyện ngắn là báo chí, nhưng tính chất của nó là một tác phẩm văn chương. Báo chí qui định cho truyện ngắn một hình thức – khuôn khổ ngắn gọn. Tính chất văn chương đòi hỏi truyện ngắn phải đạt tới một tác phẩm nghệ thuật có cấu trúc hoàn chỉnh – một chỉnh thể thẩm mỹ. Những truyện ngắn nào còn nặng về tính chất ghi chép, phóng sự và sức khái quát yếu là do chưa thoát ra khỏi vòng cương tỏa của cái môi trường báo chí. Cũng là cái hạt mầm được gieo trên mảnh đất báo chí” ấy, nhưng truyện ngắn phải phát triển thành một loài cây đặc biệt, khác hẳn với những “vườn cây báo chí”, nó phải vươn tới tầm cao của sự sáng tạo nghệ thuật để tạo nên một thế giới khác : thế giới nghệ thuật văn chương.
Truyện ngắn nào ít tính chất văn chương, nặng tính chất thời sự báo chí vì người viết bị gò ép quá nhiều về tính chất “có định hướng” của tờ báo, vào những chủ đề, đề tài mà tờ báo đó phải “bám sát”. Song, chủ yếu là do tài năng của người viết, chưa từ cái “khung cửa nhỏ” của đề tài mà nhìn bao quát được cả đại dương – mở rộng khả năng ôm trùm hiện thực, khả năng khái quát của thể loại truyện ngắn.Việc so sánh truyện ngắn với tiểu thuyết dưới đây sẽ làm rõ ý này .
Như trên đã nói, vấn đề đặc biệt quan trọng là bảo vệ cho được tính xác định về mặt thể loại của truyện ngắn. Và tính xác định đó chính là sự đòi hỏi truyện ngắn phải cô động đến mức cao nhất. Điều này cũng được X. Antônốp (19*) đặc biệt nhấn mạnh: “Trước mắt nhà văn viết truyện ngắn là vấn đề rất phức tạp. Mọi câu chuyện càng phức tạp hơn, bởi lẽ truyện ngắn phải …ngắn !…Chính việc truyện ngắn phải ngắn khiến nó tự phân biệt một cách dứt khoát và rành rọt bên cạnh truyện vừa và tiểu thuyết”.
Truyện ngắn là một thể loại văn học. Nó thường là các câu chuyện được kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết. Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang, trong khi đó tiểu thuyết rất khó dừng lại ở con số đó. Vì thế, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn.
Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Trong khi đó, tiểu thuyết chứa được nhiều vấn đề, phủ sóng được một diện rộng lớn của đời sống. Do đó, truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian trong truyện ngắn cũng không trải dài như tiểu thuyết. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảnh khắc của cuộc sống. Ví dụ một truyện ngắn kể về Nhà chứa Tellier của Maupassant thời gian chỉ 24 giờ; Lời phán quyết của Kafka (20) chỉ xảy ra trong vài tiếng.
Paul Bourget (20*), nhà phê bình Pháp thế kỷ 20 có nhận định về hai thể loại trên, qua đó cũng giải thích phần nào về sự chênh lệnh số trang của chúng: “Phong cách của truyện ngắn và của tiểu thuyết rất khác nhau. Phong cách của truyện ngắn là thuộc về tình tiết. Cái tình tiết mà truyện ngắn dự định diễn tả, truyện ngắn đã tách nó ra, làm cô lập nó lại. Các tình tiết mà cả dãy đã làm nên đối tượng của tiểu thuyết, tiểu thuyết đã làm ngưng kết chúng, nối chúng lại với nhau. Tiểu thuyết tiến hành thông qua các triển khai, còn truyện ngắn thông qua sự tập trung… Truyện ngắn là độc tấu. Tiểu thuyết là giao hưởng”. Như vậy, thông thường tiểu thuyết phải dài hơn truyện ngắn. Song không phải bất cứ một tác phẩm dài nào cũng là tiểu thuyết. Phần quan trọng để được gọi là tiểu thuyết còn ở cấu trúc của nó.
Có hai cách để phân biệt truyện ngắn hay tiểu thuyết:
1/Căn cứ theo số trang mà truyện có thể in ra

2/Căn cứ theo cách viết của cả truyện: Tiểu thuyết hay truyện dài thì cứ triền miên theo thời gian, đôi khi có quăng hồi ức trở ngược lại. Truyện ngắn thì gây cho người đọc một cái nút, một khúc mắc cần giải đáp. Cái nút đó càng ngày càng thắt lại đến đỉnh điểm thì đột ngột cởi tung ra, khiến người đọc hả hê, hết băn khoăn.
Viết và đọc truyện ngắn tạo ra trong ta cảm giác khác hẳn với viết và đọc tiểu thuyết. Trước hết đấy là quan hệ giữa cô đọng và mở rộng. Tiểu thuyết, dù có cô đọng đến đâu, phải hàm chứa khả năng phân nhánh và kéo dài, nếu không nói là đến vô cùng tận. Truyện ngắn thì ngược lại, phải súc tích và ngắn. Dĩ nhiên đây không phải là chuyện dài ngắn đơn thuần, vì một truyện ngắn mười hai trang có thể chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn là một cuốn tiểu thuyết bốn trăm trang. Chúng ta đang nói đến một phạm trù khác của các tác phẩm hư cấu nói chung. Một cách so sánh thường thấy giữa truyện ngắn và tiểu thuyết là xem tiểu thuyết là bản hợp xướng cho một dàn nhạc lớn và truyện ngắn là khúc tứ tấu cho mấy chiếc đàn. Nhưng theo tôi, cách so sánh này không chính xác: nó dựa trên lượng và vì vậy dễ làm ta lầm lạc. Bản nhạc do hai chiếc violin, một chiếc viola và một cello, thực hiện nghe khác với khi được thực hiện bởi dàn nhạc gồm hàng chục nhạc cụ khác nhau, nhưng một đoạn hoặc một trang truyện ngắn thì không khác gì một đoạn hay một trang tiểu thuyết. Truyện ngắn cũng chứa đựng tất cả các nguồn lực y như tiểu thuyết: ngôn ngữ, nội dung, nhân vật và phong cách. Tiểu thuyết gia có thể sử dụng phương tiện nghệ thuật nào thì nhà văn viết truyện ngắn cũng có thể sử dụng các phương tiện đó. Một so sánh tương đối thịnh hành khác giữa tiểu thuyết và truyện ngắn: anh hùng ca và bản tình ca đưa ta đến gần với bản chất của vấn đề hơn. Có thể nói truyện ngắn là bản tình ca viết bằng văn xuôi, còn tiểu thuyết thì là bản anh hùng ca văn xuôi.
Không ai máy móc qui định truyện ngắn phải bao nhiêu chữ, nhưng khuôn khổ báo chí đã hình thành nên một diện mạo tương đối định hình đối với truyện ngắn: từ ba đến năm ngàn chữ. Điều cần chú ý ở đây là: cái vỏ hình thức bên ngoài khá định hình của thể loại truyện ngắn đã buộc nó phải tạo nên sự biến đổi của cấu trúc nội tại, đó là sự vận động phát triển đi từ cái cá biệt đến cái chung, từ cụ thể hóa đến khái quát hóa, tức là quá trình điển hình hóa của nghệ thuật văn chương. Đó chính là sự cách tân, đổi mới, sáng tạo của thể loại truyện ngắn. Sự khác biệt của truyện ngắn đối với truyện dài, tiểu thuyết không phải chỉ ở độ dài ngắn. Có người chú ý đến phẩm chất đặc biệt của truyện ngắn do môi trường báo chí đòi hỏi, đó là yếu tố mới lạ. Song, cần lưu ý rằng, yếu tố mới lạ đó không phải là tính thời sự “sát sạt”, càng không phải là “chuyện lạ đó đây” của môi trường báo chí. Yếu tố mới lạ của truyện ngắn là phải tạo nên được sự cuốn hút đối với người đọc vào những sự kiện đang diễn ra một cách đầy biến động của cả đời thường và những chuyện lớn lao của thời đại. Điều cần nhấn mạnh là, yếu tố mới lạ đó là sự xâu chuỗi cái đời thường và những cái lớn lao thành một cấu trúc nghệ thuật hoàn chỉnh đặc biệt ngắn gọn, cô đọng của truyện ngắn khiến cho cái cụ thể và cái trừu tượng, cái cá biệt và cái điển hình ở truyện ngắn khác hẳn tiểu thuyết: nó hòa vào nhau và dường như là một để tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ ở người đọc – đọc liền một mạch. Chính ở cách đọc truyện ngắn này, một lần nữa cho ta thấy cái phẩm chất gắn bó với thơ của nó: mạch cảm hứng không đứt đoạn và truyện ngắn nào hay là những truyện ngắn cấu trúc theo một cái tứ độc đáo như của tứ thơ vậy!
X.Antonop đã nói về điều này như sau: “Bởi truyện ngắn chỉ đọc liền trong ít phút nên ở đây rất cần tới sự nguyên vẹn của cấu trúc, sự thống nhất của phong cách. Một vài câu không đâu, thậm chí vài trang tiểu thuyết có thể bỏ qua, nhưng ở truyện ngắn, người ta không được phép. Cần phải nhớ rằng, một trong những đặc điểm cốt yếu của truyện ngắn là nhạy bén trước những gì thay đổi của đời sống…Một trong những lý do để nhiều thế kỷ qua, truyện ngắn trở thành một trong những thể loại có ý nghĩa phổ cập nhất: đó là sự kết hợp giữa yếu tố năng động, khả năng nhạy bén với một cái nhìn rất mới đối với cuộc sống”.
Ngắn ở truyện ngắn đồng nghĩa với cô đọng, tinh chất – nhìn vào đó có thể thấy cuộc sống hiện ra với đủ sắc màu của nó. Sự thách đố ở đây là ai viết được ngắn gọn nhất! Lep Tonxtoi (21) nói: “Tôi không có thời gian để viết ngắn!”. Còn A. Tsekhop nói: “Để có một truyện ngắn tốt, trong truyện đó, không có cái gì được thừa, cũng y như trên boong tàu quân sự, ở đó tất cả đâu vào đấy, không có gì được thừa, truyện ngắn cũng vậy. Nghệ thuật viết, nói cho đúng ra, không phải ở chỗ viết như thế nào, mà là nghệ thuật vứt bỏ đi những gì dở kém như thế nào”…
Và A.Tsekhop đã rất trung thành với những nguyên tắc đó của nghệ thuật viết truyện ngắn. Ông cố gắng viết thật ngắn, nhưng truyện của ông nồng ấm hơi thở đời sống, bao quát những vấn đề cơ bản của xã hội và vang lên âm hưởng sử thi quyến rũ. Sự sáng tạo của A.Tsekhop khiến ta ngạc nghiên chính là kết cấu chặt chẽ, ngắn gọn và có vẻ đẹp thanh tú, giản dị đến tuyệt vời. Đó là sự ngắn gọn, giản dị của thiên tài. Tomat Man (22) nói:”Sự ngắn gọn của Tsekhop là sự ngắn gọn tráng lệ”. Còn Trifnov (23) nói: “Truyện ngắn của Tsekhop (những truyện ngắn hay nhất) chính là những tiểu thuyết được tài năng ghê gớm của ông cô gọn lại”. Và, từ những truyện ngắn mẫu mực của Tsekhop, Trifnov đã đi đến khẳng định đặc trưng của thể loại truyện ngắn: Về khả năng bao quát cuộc sống, truyện ngắn và tiểu thuyết bình đẳng với nhau… Một anh hùng ca dày dặn và một truyện ngắn bốn, năm trang có thể xếp vào cùng một diễn đàn”. Ý kiến này dường như có vẻ cao hứng và cường điệu. Song, với bàn tay sáng tạo kỳ diệu của thiên tài, sức mạnh của thể loại là không có giới hạn! Đến đây, có thể nói, truyện ngắn vừa là dạng thức đặc biệt của THƠ, vừa là TIỂU THUYẾT được cô gọn lại – dạng thức độc đáo của tiểu thuyết.Với ý nghĩa này, nếu nói truyện ngắn là thể loại văn học khó nhất là hoàn toàn có cơ sở. Ở truyện ngắn, mỗi câu chữ, mỗi dấu chấm phảy đều phải được chọn lọc tới mức tinh xảo, hoàn mỹ. Ngôn ngữ của truyện ngắn phải là thứ ngôn ngữ kim cương tuân theo những “Quy luật vàng” khắc nghiệt! Cho nên ta sẽ dễ dàng tìm thấy không ít những ý kiến về đặc trưng của thể loại truyện ngắn gần với quan niệm trên. Chẳng hạn như: “Trong các thể loại văn chương, truyện ngắn đóng vai trò hổ báo trong đại gia đình các loài vật. Ở loài thú dữ này, không được có chút mỡ thừa dính vào mọi cơ bắp, nếu không chúng không thể săn mồi được. Ngắn gọn là qui luật của việc cấu tạo truyện ngắn. Nhờ có khả năng phản ánh hành động một cách ngắn gọn, truyện ngắn có khi còn có thể đạt tới trình độ anh hùng ca và đó là cả một bí mật của nó” (Hoan Bốtsơ – nhà văn Đức); “Truyện ngắn là một thứ giọt nước mà không có nó không thể có đại dương . Theo tôi hiểu toàn bộ truyện ngắn là một tấm thảm lớn lao về cả thời đại. Với những mảnh tưởng như rất nhỏ bé, nó góp phần tạo nên cả tấm chân dung hoàn chỉnh. Truyện ngắn giống như tranh khắc gỗ, lao động nghệ thuật ở đây đòi hỏi chặt chẽ, cô đọng, các phương tiện phải được tính toán một cách tinh tế, nét vẽ phải chính xác. Đây là một công việc vô cùng tinh tế. Xoay xỏa trên một mảnh đất chật hẹp, chính đó là chỗ làm cho truyện ngắn phân biệt với các thể loại khác” (Ts. Aitmatốp) (24), v.v…
A. Tônxtôi (25) nhận định: truyện ngắn là một trong những thể tài văn học khó nhất. Về nội dung cũng như về tư tưởng, nó không khác gì tiểu thuyết…chỉ có điều do ngắn nên khó hơn…Truyện ngắn đòi hỏi một công phu lao động lớn. Đây là chỗ đánh dấu trình độ nghệ thuật một nền văn học”. William Faulkner (26) mặc dù đã có 8 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng song cũng phải thừa nhận rằng viết truyện ngắn còn khó hơn viết tiểu thuyết và ông chỉ viết được hai tập truyện ngắn.
Angus Wilson (27) từng nói: “Trong nhận thức của tôi thì truyện ngắn và kịch tương đối gần nhau. Bạn xác định một thời khắc và cho câu chuyện phát triển từ đấy trở đi, không có chuyện quay lui”. Mỗi nhà văn một quan niệm: những khoảnh khắc thăng hoa trong đời sống thường nhật; có dấu nét tự sự bên dưới; vấn đề kết cấu và xu hướng. Tôi có thể dẫn ra nhiều định nghĩa khác nữa, có cái mâu thuẫn, có cái quá cường điệu, nhưng tất cả đều rất thuyết phục theo cách riêng của mình. Nếu ngôi nhà của vãn xuôi có nhiều cửa sổ thì ngôi nhà của truyện ngắn cũng có nhiều cửa sổ không kémDù sao mặc lòng, truyện ngắn lôi cuốn tôi vì tính đa dạng, khả năng thể hiện những giọng điệu khác nhau, cấu trúc khác nhau, phong cách và hiệu ứng nghệ thuật khác nhau”
Nhà thơ Đức Bese có nói rất hay rằng: “Khi nào bầu trời thơ ca rạng rỡ nhất? Sau cơn giông , sau xung đột” . Câu này được viết trong chuyên luận “Cấu tứ trong thơ trữ tình” . Như thế có thể nói rằng, xung đột không chỉ là đặc trưng loại biệt của KỊCH mà cả THƠ và VĂN XUÔI đều có dự phần. Cũng như vậy, chất trữ tình bay bổng không chỉ là thuộc tính đặc trưng của THƠ mà cả KỊCH và VĂN XUÔI đều không thể thiếu. Sự tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau giữa các thể loại văn học không chỉ làm cho thể loại trở nên phong phú, đa dạng mà còn ngày càng khẳng định những đặc trưng có tính loại biệt của các thể loại. “Thể loại sống bằng hiện tại, nhưng luôn nhớ quá khứ của mình, khởi thủy của mình” (M.Bakhơtin).
*
Nói về tương lai của thể loại truyện ngắn, William Boyd viết: “Tôi cho rằng người đọc truyện ngắn vẫn cứ mãi còn bởi một nguyên nhân khác nữa. Nếu tinh thần của thời đại đang có ảnh hưởng đến thị hiếu thì đấy có thể là dấu hiệu rằng chúng ta đang tiến dần đến việc lựa chọn những hình thức nghệ thuật cô đọng hơn. Giống như những viên đa sinh tố, một truyện ngắn hay có thể cung cấp cho độc giả cả nhận thức cũng như niềm vui mãnh liệt không kém gì một cuốn tiểu thuyết nhưng lại mất ít thời gian “tiêu hóa” hơn. Ðọc những truyện ngắn như Những người chết (The Dead) của Joyce (28), Trong khe núi (In the Ravine) của Chekhov, A Clean Well-Lighted Place của Hemingway (29) là đối mặt với những tác phẩm nghệ thuật phức tạp về ý tưởng, hoàn hảo về hình thức, vừa sâu sắc vừa làm ta lo lắng bất an, bi hài nhưng cũng rất cảm động. Đọc một truyện ngắn chỉ mất chừng mười lăm phút nhưng khả năng thuyết phục của nó thì rất rõ. Có thể đấy chính là điều mà độc giả chúng ta hiện đặc biệt kì vọng: một quả bom nghệ thuật với hiệu ứng mạnh mẽ và tức thời”.
Đỗ Ngọc Thạch
-----
Chú thích:
(*) Herman Melville (1819 – 1891) sinh ra tại New York , là một nhà văn, người viết truyện ngắn, nhà thơ, nhà văn tiểu luận người Mỹ. Những tiểu thuyết đầu tiên của ông là những tác phẩm bán chạy và ăn khách nhất, nhưng danh tiếng của Melville tụt thê thảm vài năm sau đó. Quãng thời gian Melville qua đời cũng là quãng thời gian mà ông gần như bị lãng quên, tuy nhiên tiểu thuyết dài nhất của ông, Moby-Dick – một tác phẩm được coi là thất bại thời ông còn sống – đã được khám phá lại ở thế kỉ 20 và đã được coi là một trong những kiệt tác hàng đầu của văn học Mỹ cũng như thế giới.
(**) Raymond Carver (1939-1988) là nhà văn viết truyện ngắn và nhà thơ người Mỹ. Raymond Carver sinh tại Clatskanie, bang Oregon, trong một gia đình công nhân. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1958 sau khi đã học qua khóa viết văn tại Chico State College ở California. Ông nhận bằng cử nhân từ Humboldt State College vào năm 1963. Trước khi cho xuất bản tập truyện ngắn đầu tay Put Yourself in My Shoes (1974), Raymond Carver đã sáng tác hai tập thơ, Near Klamath (1968) và Winter Insomnia (1970). Raymond Carver được biết đến qua những truyện ngắn có sức thu hút mạnh. Cuộc sống và thời niên đầy khó khăn đã cung cấp nhiều tư liệu cho các tác phẩm của ông, vốn thường chú trọng vào những giấc mơ bị đánh mất, những mối liên hệ bị tan vỡ, và ảo vọng. Ông được nhìn nhận là một trong những cây bút truyện ngắn Anh ngữ hàng đầu, và đã có công khơi lại mối yêu thích truyện ngắn trong lòng người đọc vào thập kỷ 1980s. Năm 1999, vợ ông là nhà văn Ted Gallagher phát hiện một số truyện ngắn và thơ chưa hề công bố.
(***)Francis Scott Key Fitzgerald (1896 – 1940): nhà văn Mỹ, nổi tiếng với các tác phẩm về “thời đại nhạc Jazz”. Sinh ra trong một gia đình theo đạo Cơ đốc Ireland. Năm 1913 Fitzgerald vào Đại học Princeton nhưng sắp tốt nghiệp thì bỏ học vào lính. Thời gian phục vụ trong quân đội Fitzgerald bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên This Side of Paradise (Phía bên ni địa đàng, 1920). Sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết này Fitzgerald cưới vợ và bắt đầu nổi tiếng. Cũng trong thời gian này ông in tập truyện ngắn đầu tay Flappers and Philosophers (Những cô nàng và những triết gia, 1920). Tiểu thuyết thứ hai The Beautiful and Damned (Đẹp và đáng nguyền rủa, 1922) kể về cuộc hôn nhân khổ sở của hai con người tài năng và quyến rũ. Năm 1923 ông viết và dựng vở kịch Vegatable (Rau cỏ, 1923) bị thua lỗ nhưng sau đó viết tiểu thuyết The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại, 1925) được giới phê bình đánh giá là kiệt tác, là một trong những tiểu thuyết hay nhất nước Mỹ.
Tuân thủ nguyên tắc của “thế hệ mất mát” (The Lost Generation), Fitzgerald sang sống ở châu Âu (Ý) nhưng hôn nhân tan vỡ, đời sống riêng suy sụp, vợ mắc bệnh tâm thần còn ông là người nghiện rượu. Tiểu thuyết Tender is the Night (Đêm dịu dàng, 1934) là sự thể hiện lối thoát về châu Âu. Tập truyện Top at Reveille (Tín hiệu thức tỉnh, 1935) là những thổ lộ tâm can của nhà văn về sự đổ vỡ. Cũng giống như nhân vật chính của truyện Crazy Sunday (Ngày chủ nhật cuồng điên) trong tập trên, Fitzgerald quay trở về Hollywood trong tâm trạng thất vọng và bệnh hoạn. Ông mất ngày 21 tháng 12 năm 1940, để lại một cuốn tiểu thuyết đang viết dở The Last Tycoon (Trùm tư bản cuối cùng, 1941).
Sau Thế chiến thứ hai người ta đua nhau tìm đọc tác phẩm của Fitzgerald. Năm 1945 nhà văn và nhà phê bình Edmund Wilson tập hợp những bài viết lẻ, những hồi ức, thư từ của Fitzgerald thành một tập sách có tựa đề The Crack-Up (Sụp đổ). Rất nhiều nhà văn nổi tiếng viết về Fitzgerald, Ernest Hemingway có một liên hệ phức tạp với Fitzgerald qua nhiều năm và đã viết về Fitzgerald trong nhiều tác phẩm.
(****) M.B. Khrapchenco: Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học. NXB. Tác phẩm mới, H, 1978.
(*****) V. Bielinxki: Nhà lý luận, phê bình văn học Nga, người khởi xướng kiểu phê bình “Triết mỹ” với câu nói nổi tiếng “Phê bình văn học là Mỹ học vận động”.
(1) Ernst Theodor Wilhelm Hoffmann (1776-1822): được biết đến với bút danh E.T.A. Hoffmann (Ernst Theodor Amadeus Hoffmann), là một nhà văn, nhà luật học, nhà soạn nhạc, nhà phê bình âm nhạc và họa sĩ người Đức. Ông là chủ đề và là anh hùng trong tác phẩm opera hư cấu của Jacques Offenbach có tựa đề The Tales of Hoffmann, và là tác giả của tiểu phẩm The Nutcracker and the Mouse King, vở ba lê The Nutcracker được dựa trên chính tiểu phẩm này. Vở ba lê Coppélia cũng được dựa trên 2 tiểu phẩm khác của Hoffmann.
(2) Anton Pavlovich Chekhov (1860-1904): là nhà văn người Nga nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trên thế giới với thể loại truyện ngắn. Nhiều truyện ngắn của Chekhov đã được dịch ra tiếng Việt, nổi tiếng nhất có lẽ là truyện Người đàn bà và con chó nhỏ.
(3) William Boyd sinh năm 1952, nhận bằng Ph.D tại Jesus College, Oxford, vào năm 1975. Ông đã xuất bản tám cuốn tiểu thuyết và hai tập truyện ngắn: On the Yankee Station (1988) và The Destiny of Nathalie X (1996). Ngoài sáng tác, William Boyd còn viết phê bình, tiểu luận khá sắc sảo và nghiêm túc.
(4) Nathaniel Hawthorne (1804-1864): là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, được xem là người mở đầu cho nền “văn học có bản sắc Mỹ”.
(5) Edgar Allan Poe (1809-1849): là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Poe là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, ông có sự ảnh hưởng đến Charles Pierre Baudelaire, Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, Sir Arthur Conan Doyle (5*), v.v
(5*) Sir Arthur Conan Doyle (1859-1930) là một nhà văn người Scotland nổi tiếng với tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes, tác phẩm được cho là một sáng kiến lớn trong lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám. Các tác phẩm của ông bao gồm nhiều truyện khoa học giả tưởng, tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, tiểu thuyết, thơ và bút ký. Conan xuất phát là tên đệm nhưng ông sử dụng như một phần của họ trong các năm sau này của mình.
(6) Ivan Sergeyevich Turgenev (1818 – 1883): là một nhà văn và nhà soạn kịch nổi tiếng của Nga thế kỉ 19. Tiểu thuyết Cha và con của ông được coi là một trong những tác phẩm lớn nhất thế kỉ 19. Năm 1846, ông viết truyện kí đầu tiên nhưng tên tuổi của ông chỉ thực sự nổi tiếng sau tập Bút kí người đi săn – gồm 25 truyện ngắn, được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1847 đến 1852. Tập Bút kí người đi săn nói về thiên nhiên nước Nga và cuộc sống, phẩm chất của những người nông nô bằng phong cách viết theo chủ nghĩa hiện thực của Turgenev và phản ánh tư tưởng chống chế độ nông nô của ông. Ivan Turgenev được coi là một trong những nhà văn lớn nhất nước Nga thế kỉ 19, các tác phẩm của ông thường được so sánh với các tác phẩm của hai nhà văn lớn cùng thời là Lev Tolstoy và Feodor Dostoevsky (6*).
(6*) Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821-1881) là nhà văn nổi tiếng người Nga. Cùng với Lev Tolstoy, Dostoevsky được xem là một trong hai nhà văn Nga vĩ đại thế kỷ 19. Các tác phẩm của ông, như Anh em nhà Karamazov hay Tội ác và hình phạt đã khai thác tâm lí con người trong bối cảnh chính trị, xã hội và tinh thần của xã hội Nga thế kỷ 19. Ông được giới phê bình đánh giá rất cao, phần lớn xem ông là người sáng lập hay là người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ 20. Tuy nhiên ở Liên Xô, sau Cách mạng tháng Mười, người ta hầu như phủ nhận toàn bộ các sáng tác của Dostoevsky. Từ 1972, tác phẩm của Dostoevsky mới được nhìn nhận lại và đánh giá đúng mức ở quê hương của mình.
(7) Giovanni Boccaccio (1313 – 1357) là một nhà văn và nhà thơ người Ý. Boccaccio là một nhà nhân văn học thời Phục Hưng và là một nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm như De mulieribus claris, Decameron và các tập thơ bằng tiếng Ý. Các nhân vật trong truyện của Boccaccio thường là những nhân vật nổi tiếng trong thời đại của họ, đồng thời cũng là những người thực tế, tâm linh, và là những con người thông minh.
(8) Walter Scott (1771-1832): là tiểu thuyết gia người Scotland. Trong sự nghiệp văn học nghệ thuật của mình, Walter Scott đã sinh sống tại rất nhiều các quốc gia châu Âu và đã có được lượng người hâm mộ khổng lồ trên khắp lục địa này cũng như ở Bắc Mỹ, châu Á và Úc.
Ngày nay những tác phẩm văn học và thi ca lãng mạn của ông không còn được nhiều độc giả như thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của ông, tuy nhiên ông cũng đã để lại nhiều tác phẩm được coi là đại diện cho nền văn học cổ điển của Anh, như Ivanhoe (Ai-van-hô), Rob Roy, Waverley, Trái tim của Midlothian (The Heart of Midlothian).
(9) George Eliot: Mary Anne Evans (1819 – 1980), được biết đến phổ biến với bút danh George Eliot, là một nhà văn tiểu thuyết người Anh. Bà là một trong những nhà văn tiên phong của thời đại Victoria. Những tiểu thuyết của bà, phản ánh đời sống trung lưu tại miền nông thôn nước Anh, nổi tiếng với những mô tả hiện thực đơn giản, tình cảm, tâm lí, sự hiểu biết.
George Eliot sử dụng bút danh nam cho các tác phẩm, như bà đã từng nói, để đảm bảo rằng tác phẩm của bà được chú trọng. Dù những nhà văn nữ có thể xuất bản thoải mái dưới tên của họ, như Eliot muốn đảm bảo rằng mình không bị coi là một nhà văn lãng mạn đơn thuần. Chính yếu tố bổ sung này có thể đã bảo vệ bà khỏi sự xoi mói vào đời sống riêng tư, và bảo vệ bà khỏi những scandal liên quan tới người chồng George Henry Lewes.
(10) Thomas Hardy (1840-1928) là nhà văn người Anh. Bố Thomas làm nghề thợ xây. Nhưng ông chính là người truyền cho Hardy kiến thức và niềm đam mê âm nhạc, còn người mẹ đem đến cho ông tình yêu phong cảnh đồng nội nơi ông được sinh ra.
Với Tiểu thuyết Under the Greenwood Tree (Dưới tán cây rừng – 1872) tên tuổi Thomas Hardy đã nhanh chóng được độc giả đón nhận và được giới phê bình đánh giá cao. Tiếp theo là cuốn tiểu thuyết lãng mạn và viễn tưởng A Pair of Blue Eyes (Đôi mắt xanh biếc). Sau Đôi mắt xanh biếc, Hardy xuất bản Far From the Madding Crowd. Cuốn sách nhanh chóng gặt hái được thành công và trở thành yếu tố quyết định khiến ông dồn hết tâm lực cho văn chương. Gia đình Hardy sinh sống tại nhiều vùng khác nhau trên đất Anh, mỗi một vùng đất đều để lại những dấu ấn riêng biệt và độc đáo trong các tác phẩm của ông. Từ năm 1878, ông còn xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị như Return of the Native (Trở lại quê hương), The Mayor of Casterbridge (Thị trưởng Casterbridge), Life’s little ironies (Những chút mỉa mai của cuộc đời)… nửa cuộc đời còn lại, ông tập trung sáng tác thơ ca và xuất bản rải rác từ 1898 đến 1928.
(10*) Honoré de Balzac (1799–1850) là nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực. Ông là tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ Tấn trò đời (La Comédie humaine).
(11) Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799-1837): đại thi hào, nhà văn, nhà viết kịch người Nga. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại. Ông mất khi mới 37 tuổi nhưng đã để lại nhiều kiệt tác như Thơ trữ tình, truyện thơ “Evegny Onegin”, và các truyện ngắn “Người con gái viên đại úy”, “Con đầm bích”, “Boris Godunov”… Ông được coi là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn và tả thực nước Nga thế kỷ 19.
(12) James Fenimore Cooper (1789 – 1851): nhà văn viết tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học Mỹ đa sắc màu và được coi là trẻ trung so với các nền văn học phương Tây và phương Đông. Các tiểu thuyết của ông thường đề cập đến những vấn đề lịch sử và xã hội gắn liền với thời kỳ phát triển mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Mỹ đương thời. Người cuối cùng bộ tộc Mohica (the last of the mohican).
(13) Henri René Albert Guy de Maupassant (1850-1893): là nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng người Pháp. Hoạt động văn chương của ông bắt đầu khoảng giữa thời gian từ 1871-1880, bắt đầu bằng thơ. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của người thầy, người cha đỡ đầu Gustave Flaubert (1*), ông đi theo khuynh hướng hiện thực và tiếp nhận những nguyên lư nghệ thuật của Flaubert. Cũng trong thời gian này, Maupassant gia nhập nhóm “Chủ nghĩa Tự nhiên” mà đứng đầu là Emile Zola. Năm 1888, truyện vừa Viên mỡ bò ra đời, là thành công đầu tiên trên con đường sự nghiệp của ông xác định một tài năng về nghệ thuật kể chuyện.
Từ năm 1880-1891, ông đã sáng tác thêm khoảng 300 truyện ngắn, trong đó có rất nhiều truyện xuất sắc như: Người đã khuất, Món tư trang, Cái thùng con, Con quỷ, Đi ngựa, Người đàn bà làm nghề độn ghế… Và 6 tiểu thuyết: Une Vie (Một cuộc đời, 1883), Bel Ami (Ông bạn đẹp, 1885), Mon Oriol (Oriol của tôi, 1887), Pierre et Jean (1888), Fort comme la Mort (Mạnh như cái chết, 1889), Notre Coeur (Lòng ta, 1889).
(1*) Gustave Flaubert (1821 – 1880) là một tiểu thuyết gia người Pháp, được coi là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của phương Tây. Tác phẩm nổi tiếng nhất: Madame Bovary (Bà Bovary, 1857).
(14) Robert Louis Stevenson (1850-1894): nhà văn Anh, viết các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, khảo luận. Nổi tiếng nhất là truyện Đảo giấu vàng. Có lẽ không có nhân vật nào trong địa hạt văn chương được nhiều người mến phục về tinh thần phấn đấu bằng Robert Louis Stevenson. Suốt đời ông, ông phải chống lại bệnh tật với sự vui vẻ và lòng can đảm vô bờ bến, và chính vợ ông là người đã đem đến cho ông nghị lực và cảm hứng để viết văn. Trong khoảng mười bảy năm, ông đã viết được bốn cuốn khảo luận, bảy cuốn tiểu thuyết, năm tập truyện hoang đường, hai tập truyện phiêu lưu tại biển Nam, ba tập thơ, năm cuốn tiểu truyện về du lịch và địa thế học, một cuốn lịch sử chính trị và một số tài liệu khác được in ra sau khi ông chết.
(15). Joseph Rudyard Kipling (1865-1936): là nhà văn, nhà thơ Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 1907. Thơ, văn của Kipling phản ánh cuộc sống người lính và nghĩa vụ của họ đối với Đế quốc Anh. Rudyard Kipling nổi tiếng với khả năng quan sát, trí tưởng tượng rực rỡ, độ chín muồi tư tưởng và tài năng thuật truyện xuất sắc. Những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông có The Jungle Book (Sách rừng) – thấm sâu tư tưởng về sự sống khởi nguyên có tầng bậc giá trị rõ ràng và hết sức đơn giản mà nền văn minh không chạm đến được; và Kim – được coi là cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh hay nhất về Ấn Độ và là một trong những tiểu thuyết Anh hay nhất nói chung. Những bài thơ nổi tiếng nhất của Kipling như: Ballad of East and West (Bài thơ Đông-Tây), Tommy, If (Nếu) đã được dịch ra tiếng Việt và in trong quyển Những nhà giải thơ Nobel, Hà Nội, 2006.
(15*) Katherine Mansfield (1888-1923): Nữ văn sĩ Anh.
(16) Alphonse Daudet (1897-1940): nhà văn Pháp, tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng.
(17) John Updike (1932-2009): là một nhà văn Hoa Kỳ, nổi tiếng qua một loạt truyện; gồm 5 tác phẩm mang tựa đề Rabbit (Thỏ) dựng lên một nhân vật trong truyện mang tên Rabbit Angstrom. Gồm có: Rabbit Run; Rabbit Redux; Rabbit Is Rich; Rabbit At Rest; Rabbit Remembered. Đặc biệt trong bộ tiểu thuyết Rabbit có hai tác phẩm “Rabbit Is Rich” và “Rabbit At Rest” đoạt giải Pulitzer (1981). John Updike là một nhà văn hàng đầu trong thế hệ của ông, với 22 tiểu thuyết, hơn 12 truyện ngắn kể cả thơ, tiểu luận, phê bình và truyện thiếu nhi, hằng trăm bài viết khác đăng trên tờ New Yorker từ 1950 cho đến những năm cuối đời. Tuy nhiên, chính với tư cách một nhà tiểu thuyết đã mở một cửa sổ lớn trong suốt nhìn vào tầng lớp trung lưu Mỹ trong nửa sau thế kỷ 20 mà ông sẽ được nhớ đến nhiều nhất. Trong tác phẩm của mình, Updike đã đem đến cho “thế giới tẻ nhạt vẻ đẹp vốn có của nó”, như ông có lần nói, dựng tượng đài cho những bí ẩn thường ngày của tình yêu và lòng trung thành và đời sống gia đỉnh bằng nhiều sắc thái và sự chính xác phi thường.
(18) Raxun Gamzatốp (1923-2003): Nhà thơ người dân tộc Avar, nước Cộng hòa tự trị Đaghextan, thuộc Liên bang Nga. Ông được tặng danh hiệu nhà thơ nhân dân Liên Xô (1959), Nhà hoạt động xã hội, Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa Liên Xô (1974). Năm 1963 Raxun Gamzatốp đoạt Giải thưởng Lênin về văn học, với tập thơ Những ngôi sao trên cao. Bạn đọc Nga say mê phong cách thơ độc đáo của Raxun Gamzatốp, phản ánh mảng hiện thực miền núi Đaghextan với một loạt tập thơ và trường ca đặc sắc: Mảnh đất của tôi, Tổ quốc của người sơn cước, Trái tim tôi trên núi, Bên bếp lửa, Và trò truyện cùng sao, Chuỗi hạt tháng năm, Cô sơn nữ, Cái giá cuối cùng, Trò truyện với người cha, Hãy phán xét tôi theo đạo luật của tình yêu, Hãy bảo vệ các bà mẹ, Hòn đảo của phụ nữ… Đặc biệt là hai tập văn xuôi trữ tình Đaghextan của tôi (đã được dịch sang tiếng Việt) càng thể hiện rực rỡ phong cách sáng tác độc đáo của ông.
(19) K. G. Pauxtopxki (1892 – 1968), nhà văn Nga. Viết truyện ngắn và kí từ sớm. Nhân vật là những người mơ mộng đôn hậu, căm ghét thói thủ cựu, khao khát những cuộc phiêu lưu lãng mạn (“Phác thảo biển”, 1925; “Tàu ngược”, 1928…). Nổi tiếng nhất là truyện vừa “Kara – Bugat” (1932), trong đó tư liệu và hư cấu nghệ thuật quyện chặt vào nhau. Thập kỉ 30, hệ thống đề tài và thể loại của Pauxtôpxki rất đa dạng: “Biển đen” (1936), “Chòm sao chó săn” (1937), “Câu chuyện phương Bắc” (1938), truyện tiểu sử về các văn nghệ sĩ: “Ixac Lêvitan” (1937), “Tarat Sepchenkô” (1939)… Ông còn viết truyện ngắn trữ tình, mà trung tâm là con người sáng tạo, có sức mạnh tâm hồn, là cái thiện đối lập với cái ác. Truyện vừa “Bông hồng vàng” (1955) ngợi ca bản chất lao động tốt đẹp của nhà văn. Pauxtôpxki dành nhiều năm cho việc viết tiểu sử. “Chuyện kể về cuộc đời” (gồm 6 cuốn) là số phận tác giả trong những năm 30. Có thể xem tác phẩm này là tập hợp những tìm tòi về sáng tác và đạo đức của nhà văn.
(19*) X. Antônốp: Nhà văn Nga. Cuốn tiểu luận Viết truyện ngắn của Antônốp đã được nhà văn Bùi Hiển dịch ra tiếng Việt rất sớm (NXB Văn Nghệ – Hà Nội, năm 1956).
(20) Franz Kafka (1883 – 1924) là một trong những nhà văn lớn của thế kỉ 20. Sinh ra trong một gia đình Do Thái trung lưu tại Praha – cơ đồ về viết lách của ông – rất nhiều chưa hoàn thành và phần lớn xuất bản sau khi ông mất – đã trở thành những tác phẩm có tầm ảnh hưởng bậc nhất của văn học phương Tây. Các tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm các truyện Das Urteil (1913), In der Strafkolonie (1920); tiểu thuyết ngắn Die Verwandlung (1915); và các tiểu thuyết chưa hoàn thành Der Prozess (Vụ án -1925), Das Schloß (Lâu đài-1926).
(20*) Charles Paul Bourget (1852-1935): nhà văn, nhà phê bình người Pháp, nổi tiếng với hai cuốn sách về lý thuyết phân rã (1881), và tâm lý học hiện đại (1883).
(21) Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910): nhà văn Nga, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Chiến tranh và Hòa bình. Trước khi viết Chiến tranh và Hòa bình (1864 – 1869), Tônxtôi đã bắt tay vào cuốn Những người tháng Chạp (1861), nhưng chỉ mới viết đến chương thứ ba, nhà văn phải dừng lại, bởi đã rút ra được một sự thật quan trọng: “Cái vĩ đại không thể có được ở triều đình Nga hoàng”, mà “sức mạnh của nước Nga… là ở trong nhân dân”… “Tôi cố gắng viết lịch sử của nhân dân”, bởi “Mục đích của nhân dân chỉ có một: giải phóng đất nước khỏi cuộc xâm lăng”. “Nhân dân Nga thật kỳ diệu vô song”. Và thế là toàn bộ hệ thống sự thật lịch sử của dân tộc Nga cũng như của kẻ thù xâm lược Napôlêông được thể hiện qua hai ngàn trang của Chiến tranh và hòa bình - bộ tiểu thuyết anh hùng ca vĩ đại nhất trong nền tiểu thuyết truyền thống của thế giới từ xưa đến nay, mà trong đó nhân dân Nga là nhân vật trung tâm.
(22) Tomat Man (1875-1955): nhà văn Đức
(23) Iuri Trifonov (1925-1981): Nhà văn Nga hiện đại.
(24) Aitmatôp Tsinghiz: Nhà văn Nga, nổi tiếng với những tác phẩm Người thầy đầu tiên, núi đồi và thảo nguyên, Con tàu trắng, Vĩnh biệt Gunxarư, Con chó khoang chạy bên bờ biển
(25) Aleksey Nicolaievich Tolstoy: nhà văn Nga, tác giả những tác phẩm nổi tiếng Pie đệ nhất, Con đường đau khổ
(26) William Faulkner: William Cuthbert Faulkner (1897-1962) là một tiểu thuyết gia người Mỹ. Đoạt Giải Nobel Văn học năm 1949 và hai giải Pulitzer năm 1955 và 1963, ông là một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ 20.
Tên thật là William Falkner (không có chữ u), sinh ra trong một gia đình có tiếng ở New Albany, Mississippi. Gia đình Falkner đã đóng một vai trò đáng kể trong lịch sử vùng Mississipi. Một người biên tập đã nhầm họ của ông thành Faulkner, từ đó ông lấy William Faulkner làm bút danh của mình. Trong thời gian Thế chiến thứ nhất, Faulkner gia nhập Không quân Hoàng gia Canada, rồi gia nhập Không quân Hoàng gia Anh, nhưng chiến tranh kết thúc trước khi ông được bay chuyến bay đầu tiên. Ông trở về sống tại Oxford và lập gia đình.
Cuốn tiểu thuyết The Sound and the Fury, 1929, (Âm thanh và Cuồng nộ) của ông là một trong những kiệt tác văn chương tiêu biểu, với những thủ pháp nghệ thuật ngôn từ độc đáo. Ở đây dòng ý thức của các nhân vật được tác giả miêu tả một cách miên man bất tận, dưới nhiều giọng điệu và sắc thái, với những phá bỏ về ngữ pháp và cấu trúc câu, gợi đến cõi sâu thẳm vô thức của con người. Một vài trang trong cuốn sách này hoàn toàn không có dấu chấm phảy ngắt câu, là một thử thách lớn đối với những độc giả quen đọc theo lối truyền thống.
(27) Angus Wilson (1913- ?): nhà văn Anh hiện đại.
(28) James Augustine Aloysius Joyce (tiếng Ireland: Seamus Seoighe; 1882 -1941) là một nhà văn và nhà thơ biệt xứ Ireland, được đánh giá là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông nổi tiếng nhất với tiểu thuyết bước ngoặt Ulyxơ (1922). Các tác phẩm chính khác của ông là tập truyện ngắn người Dublin (1914), các tiểu thuyết Bức họa người nghệ sĩ là thanh niên (1916) và Finnegans Wake (1939). J. Joyce còn là tác giả của các tập thơ Nhạc thính phòng (Chamber Music, 1907), Poems Pennyeach, 1927, Colleted Poems, 1936. Dù số lượng ít nhưng thơ của James Joyce có sự ảnh hưởng rất lớn đến các nhà thơ Anh phái Hình tượng.
Mặc dù phần lớn quãng đời trưởng thành của ông là ở nước ngoài, kinh nghiệm Ailen của Joyce vẫn rất tinh tế trong các bài viết của ông và nó cung cấp tất cả nền tảng cho tưởng tượng của ông và các vấn đề chủ thể nó. Không gian tưởng tượng trước tiên khởi điểm tại Dublin và phản ánh cuộc sống gia đình của ông và các sự kiện và bạn bè (và kẻ thù) từ những ngày ở trường phổ thông và trường đại học. Dù vậy, ông trở thành người chủ nghĩa toàn cầu nhất và là một trong số những người địa phương nhất của tất cả phạm vi tiếng Anh hiện đại.
(29) Ernest Miller Hemingway (1899 – 1961) là một tiểu thuyết gia người Mỹ, một nhà văn viết truyện ngắn, và một nhà báo. Ông là một phần của cộng đồng những người xa xứ ở Paris trong thập niên 20 của thế kỷ XX, và là một trong những cựu quân nhân trong Chiến tranh thế giới I, sau đó được biết đến qua “Thế hệ vứt đi” (Lost Generation). Ông đã nhận được Giải Pulitzer năm 1953 với tiểu thuyết Ông già và biển cả, và Giải Nobel Văn học năm 1954.
Nguyên lý Tảng băng trôi (Iceberg Theory) là đặc điểm trong văn phong của Hemingway. Nó được mô tả bằng sự kiệm lời và súc tích, và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của văn chương thế kỉ XX. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm của ông là những người mang đặc trưng của chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism – chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh), thể hiện một lý tưởng được miêu tả là “sự vui lòng chịu sức ép” (“grace under pressure”). Nhiều tác phẩm của ông hiện nay được coi là những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ. ./.
vothilan viết ngày 05/03/2012
nguồn: Tamtay.vn
Xem thêm:
  1. Phê bình, Tiểu Luận của Đỗ Ngọc Thạch (12) | Đỗ Võ Cẩm Thạch

    dovocamthach.vnweblogs.com/post/27317/363110
    Tất cả những biểu hiện của hoạt động thẩm mỹ của con người mà chúng ta quen nói nôm na là “đời sống văn hóa- văn nghệ” được bộ môn lý luận văn hóa xác ...
  2. Phê bình & Tiểu luận Đỗ Ngọc Thạch (23 bài trên VNCN) | Đỗ ...

    dovocamthach.vnweblogs.com/post/27317/395216
    Phê bình & Tiểu luận Đỗ Ngọc Thạch (23 bài trên VNCN). Published on 12/14, 2012. Tuồng. Phê bình, Tiểu Luận - Đỗ Ngọc Thạch (23 bài trên ...
  3. Phê bình, Tiểu Luận của Đỗ Ngọc Thạch (12 bài) | Đỗ Cẩm Văn

    docamvan.vnweblogs.com/post/27344/385408
    Phê bình, Tiểu Luận của Đỗ Ngọc Thạch (12 bài). docamvan | 16 Oct, 2012, 18: 58 | tiểu luận | (12 Reads). alt. ĐỖ NGỌC THẠCH 12 bài Phê bình, Tiểu luận của ...
  4. Tiểu luận phê bình – Biên khảo của Đỗ Ngọc Thạch - Vandanviet ...

    vandanvn.net/.../Tieu-luan-phe-binh-Bien-khao-cua-Do-Ngoc-Thach...
    30 Tháng Tám 2012 – Khi đang theo học năm thứ nhất tại Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1971-1972), Nguyễn Duy đã lọt vào "Con Mắt Xanh” của ...
  5. phê bình văn học - Phong Điệp

    PHÊ BÌNH VĂN HỌC - VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG TRONG NỀN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT. Tác giả Đỗ Ngọc Thạch chia sẻ cùng Phongdiep.net bài tiểu luận văn ...
  6. Do Thach: Phê bình & Tiểu luận...- Đỗ Ngọc Thạch

    dothach.blogspot.com/2012/12/phe-binh-tieu-luan-o-ngoc-thach.html
    5 ngày trước – Đỗ Ngọc Thạch (3/27/2009 8:50:45 PM) Nhà văn, nhà báo Vũ Bằng sinh năm 1914, mất năm 1984, năm nay là 95 năm ngày sinh và 25 năm ...
  7. Phê bình & Tiểu Luận của Đỗ Ngọc Thạch (VNCN) | Blog | Tamtay.vn

    blog.tamtay.vn/entry/view/773203
    6 ngày trước – Bạn học Lớp 4; Bạn học Lớp 7 - Đỗ Ngọc Thạch · đỗ ngọc thạch trên phongdiep. net · Phê bình & Tiểu Luận của Đỗ Ngọc Thạch (VNCN) ...
  8. chùm thơ về Hà Nội - Đỗ Ngọc Thạch (bichkhe.org) | Blog | Tamtay.vn

    blog.tamtay.vn/entry/view/710672
    2 Tháng Mười 2012 – CHÙM THƠ VỀ HÀ NỘI CỦA ĐỖ NGỌC THẠCH Viết tiểu luận phê bình, sáng tác truyện ngắn, hôm nay, tôi lại gặp một Đỗ Ngọc Thạch thơ.
  9. Tiểu Luận - Explorer - Yahoo! Blog - Yahoo!

    blog.yahoo.com/_.../tag/Tiểu+Luận - Hoa Kỳ
    16 Tháng Mười 2012 – ĐỖ NGỌC THẠCH12 bài Phê bình, Tiểu luận của Đỗ Ngọc Thạch ( vannghechunhat.net) Vũ Đình Liên - Ông đồ vẫn ngồi đấy Chi tiết Chuyên ...
  10. Bài viết của Đỗ Ngọc Thạch - YuMe.vn

    yume.vn/dongocthach18/article?p=3
    6 bài Phê bình, Tiểu luận của Đỗ Ngọc Thạch trên vannghechunhat.net. 19/02/ 2012 17:03. 6 bài Phê bình, Tiểu Luận của Đỗ Ngọc Thạch trên vannghechunhat ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét