Nguyễn Khuyến (*)
là nhà thơ quen thuộc của đông đảo công chúng văn học trước hết bởi tài
học với ba lần đỗ đại khoa, chính vì thế mà người ta gọi ông bằng tên
làng Yên Đổ cùng với chiến tích thi cử: Tam Nguyên Yên Đổ. Sự vinh danh
đó rất xứng đảng bởi thơ Nguyễn Khuyến có một Tình quê vô bờ
bến và có một chùm ba bài thơ viết về quê hương vào loại kiệt tác mà
mỗi khi nói đến ông người ta đều thấy lời thơ như đang ngân lên giữa trời thu xanh ngắt mấy tầng cao:
Thu Ẩm
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe,
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy,
Độ năm ba chén đã say nhè.
Thu Điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Thu Vịnh
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cầu trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút.
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào (**).
Có thể nói Nguyễn Khuyến là nhà thơ
kết tụ được nhiều nhất tâm hồn Việt và được đông đảo công chúng văn
học thuộc lòng nhiều nhất, có lẽ chỉ sau Nguyễn Du với Truyện Kiều. Nói đến Nguyễn Khuyến, người yêu thơ ông còn có thể đọc ra ngay những bài thơ trào phúng rất thâm thúy của ông như Vịnh Tiến sĩ giấy hoặc Văn tế Ngạc Nhi:
(Sau khi Francis Garnier - “dịch ra tiếng ta” là Ngạc Nhi -, bị tử trận
ở trận Cầu Giấy năm 1873, Tổng đốc Hà Nội là Trần Đình Túc vâng lệnh
triều đình tìm cách hòa hoãn với quân Pháp nên phải tổ chức lễ truy
điệu. Nguyễn Khuyến là bậc đại khoa được cử viết bài văn tế này):
Than ôi! Một phút sa cơ, ra người thiên cổ
Nhớ ông xưa: Cái mắt ông xanh, cái da ông đỏ
Cái tóc ông quăn, cái mũi ông lõ
Đít ông cưỡi lừa, miệng ông huýt chó
Ông đeo súng lục-liên, ông đi giày có mỏ
Ông ở bên Tây, ông sang bảo-hộ
Ông dẹp Cờ Đen, để yên con đỏ
Nào ngờ: Nó bắt được ông, nó chặt mất sỏ
Cái đầu ông kia, cái mình ông đó
Khốn-khổ thân ông, đù mẹ cha nó
Tôi: Vâng lệnh quan trên, cúng ông một cỗ
Này chuối một buồng, này rượu một hũ
Này xôi một mâm, này trứng một rổ
Ông có linh-thiêng, mời ông xơi hộ
Ăn uống no say, nằm cho yên chỗ
Ới ông Ngạc Nhi ơi! Nói càng thêm khổ!
Nói đến chuyện “chống Tây” bằng thơ, hầu như ai cũng biết đến bài Hội Tây:
(Hội Tây ở đây chỉ ngày kỷ niệm Cách mạng Pháp thành công 14-7).
Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo:
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo.
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!
*
Nguyễn Khuyến là
người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan từ nhỏ đến lớn, nhưng
nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nguyễn Khuyến làm quan tất cả hơn
10 năm. Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời
cuộc nên ông xin cáo quan về ở ẩn. Phần lớn cuộc đời của Nguyễn Khuyến
là ở thôn quê. Nhiều giai thoại kể về đời sống đời sống và sự gắn bó của
Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Sáng tác của Nguyễn Khuyến hầu hết
được làm sau lúc từ quan, hiện còn khoảng hơn 400 bài, gồm thơ, văn,
câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm. Có bài ông viết bằng chữ Hán rồi tự
dịch ra chữ Nôm, cả hai đều rất điêu luyện. Ông là người có tâm hồn
rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên. Thiên
nhiên, quê hương luôn gợi cảm hứng thi ca đối với ông. Ông luôn buồn vì
cảnh quê nghèo:
Chốn quê
Năm nay cày cấy vẫn chân thua,
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.
Sớm chưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.
Tằn tiện thế mà không khá nhỉ?
Nhờ trời rồi cũng mấy gian kho.
(Có bản chép: Bao giờ cho hết khỏi đường lo)
Và nhớ hoài cái chợ quê với tất cả vui buồn của nó:
Chợ đồng
(Xưa kia làng Vị Hạ có chợ Và, hàng
năm cứ đến ba phiên chợ cuối năm vào ngày 24, 26 và 30 tháng Chạp là
phiên chợ Tết đông người nên phải chuyển ra họp ở cánh đồng mạ phía tây
làng, nên gọi là chợ Đồng, nay không còn chợ này nữa).
Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.
Nếm rượu, tường đền[1] được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới.
Pháo trúc[2] nhà ai một tiếng đùng.
chú thích: 1. Chợ
Đồng họp ngay ở bên cạnh một ngôi đền. Xung quanh đền lại đắp tường đất
dày bao bọc, gọi là tường đền. 2.Trúc đốt trong lửa, có tiếng nổ.
Phần thơ viết về quê hương, đất nước
(***) của Nguyễn Khuyến có một vị trí đặc biệt và gần như là cảm hứng
chủ đạo trong sáng tạo thi ca của ông, là sự ám ảnh thường trực trong mỹ
cảm của nhà thơ:
Cuốc kêu cảm hứng
Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó.
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Chú thích: Thục đế:
vua nước Thục. Truyền thuyết xưa nói vua nước Thục là Đỗ Vũ, sau khi
nhường ngôi cho người khác, lên núi ở ẩn, chết hóa thành chim đỗ quyên,
tiếng kêu ai oán nhớ nước cũ.
Đêm đông cảm hoài
Nỗi nọ, đường kia xiết nói năng!
Chẳng nằm, chẳng nhắp, biết mần răng?
Đầu cành, mấy tiếng chim kêu tuyết.
Trước điếm, năm canh chó sủa trăng.
Bảng lảng lòng quê khôn chợp được.
Mơ màng cuộc thế cũng cầm bằng.
Canh gà eo óc đêm thanh thả,
Tâm sự này ai có biết chăng?
*
Nguyễn Khuyến và thể Hát nói
Cùng với Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Dương Khuê, Nguyễn Thượng Hiền,v.v… Nguyễn
Khuyến đã góp phần cho sự phát triển của thể thơ Hát nói - phần lời của
Ca Trù (****). Những bài thơ Hát nói của Nguyễn Khuyến không chỉ giàu
nhạc điệu, hình ảnh mà đều có ý tứ sâu sắc và được lan truyền rộng rãi.
Ví dụ một số bài sau:
Hỏi phỗng đá
Mưỡu:
Người đâu? Tên họ là gì?
Khéo thay, chích chích chi chi nực cười!
Dang tay ngửa mặt lên trời,
Hãy còn lo tính sự đời chi đây?
Hát nói:
Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi:
Cớ sao len lỏi đến chi đây?
Hay tưởng trong cây cỏ, nước non này.
Chí cũng rắp ran tay vào hội Lạc[1]?
Thanh sơn tự tiếu đầu tương bạc,
Thương hải thùy tri ngã diệc âu?[2]
Thôi cũng đừng chắp chuyện đâu đâu,
Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác.
Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác,
Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác,
Cuộc tỉnh say, say tỉnh một vài câu.
Nên chăng đá cũng gật đầu!
Chú thích:
1. Lạc Dương ký anh hội, tao đàn thơ đời Tống do Văn Ngạn Bác đứng đầu
2. Chốn núi xanh ta tự cười mình đâu sắp bạc trụi hói; Ở nơi biển xanh, ai biết đâu ta cũng là một con chim âu
Thể loại: Hát nói
Đĩ Cầu Nôm
(Cầu Nôm là địa danh thuộc làng Đại
Đồng, tỉnh Hải Dương. Nhiều ý kiến cho rằng bài hát nói này là lời tác
giả dành cho cô Tư Hồng có một thời làm đĩ lấy Tây)
Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ?
Trời sinh ra cũng để mà chơi!
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời,
Chơi thủng trống long dùi âu mới thích
Đĩ bao tử càng chơi càng lịch,
Tha hồ cho khúc khích chị em cười:
Người ba đấng, của ba loài,
Nếu những như ai thì đĩ mốc.
Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc[1]
Khá khen thay làm đĩ có tông[2]
Khắp giang hồ chẳng chốn nào không.
Suốt Nam Bắc Tây Đông đều biết tiếng.
Đĩ mười phương chơi cho đủ chín,
Còn một phương để nhịn lấy chồng.
Chém cha cái kiếp đào hồng[3],
Bạn với kẻ anh hùng cho đứng số.
Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó,
Mai sau ngày giỗ có văn nôm.
Cha đời con đĩ cầu Nôm.
Chú thích: 1.Ám chỉ cô Tư Hồng; 2. Có nòi; 3.Kiếp trăng hoa
Thể loại: Hát nói
Uống rượu ở vườn Bùi
(Tác giả tự dịch bài Bùi Viên đối ẩm trích cú ca. Thể loại: Hát nói)
Túy Ông[1] ý chẳng say về rượu,
Say vì đâu, nước thẳm với non cao.
Non lặng ngắt, nước tuôn ào,
Tôi với bác xưa nay cùng thích thế.
Đời trước thánh hiền đều vắng vẻ,
Có người say rượu tiếng còn nay[2].
Cho nên say, say khướt cả ngày,
Say mà chẳng biết rằng say ngã đùng.
Chu Bá Nhân[3] thuở trước sang sông.
Chỉ tỉnh rượu ba ngày không phải ít.
Kêu gào thế cười chi cho mệt,
Chớ buồn chi nghe tiếng hát làng say
Xin người gắng cạn chén này.
Chú thích:
1. Túy Ông (Ông say) tên hiệu của Âu Dương Tu (1*) đời Tống
2. Dịch câu Cổ kim thánh hiền giai tịch mịch, Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh của Lý Bạch
3. Tức Chu Nghị
(1*) Âu Dương Tu (1007 - 1072) có tên tự là Vĩnh Thúc
hiệu "Túy Ông" là nhà thơ thời Tống TQ. Quê Âu Dương Tu ở Lư Lăng (nay
thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Năm Thiên Thánh thứ 7(1030) đỗ đầu
khoa thi tiến sĩ. Âu Dương Tu là một nhà văn nổi tiếng, một nhà thơ lớn,
một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm Từ xuất sắc
đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại "thi thoại"(bình luận và
ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân,...), cuốn "Lục Nhất thi
thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc. Âu Dương Tu tự xưng
mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với 6 cái "một": một vạn quyển sách,
một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân
già).
*
NHỮNG GIAI THOẠI VỀ NGUYỄN KHUYẾN
1. Chày đứng
Đình của làng bên năm nào cũng
cháy, dân làng mới dựng lại ngôi đình khác và sang xin nhà thơ Nguyễn
Khuyến vài chữ để treo, vì tin rằng ông vốn hay chữ, chắc sẽ trị được
"Hỏa thần". Ông bảo người nhà lấy giấy bút, vẽ cho một chữ "Nhất" thẳng
đứng, chỉ tội hai đầu hơi to; với lời dặn dò nên cẩn thận củi lửa vào
mùa khô.
Năm đó, đình làng không cháy, dân
làng ca ngợi và cho người sang khoe, luôn tiện hỏi ý nghĩa chữ ông đã
viết để "trấn" thần lửa. Ông hóm hỉnh trả lời: - Nào tôi có viết chữ gì
đâu, tôi chỉ có vẽ cái "chày đứng", nghĩa là "đừng cháy" đó mà. Điều
quan trọng là dân làng đã để ý canh chừng củi lửa, nên đã thoát khỏi
nạn cháy đình.
2. Đón quan
Con trai cả của Nguyễn Khuyến là
Nguyễn Hoan; làm tri phủ Lý Nhân. Một hôm có việc về làng Vĩnh Trụ, dân
làng đón rước chậm trễ, tri phủ sai nọc lý trưởng ra đánh, ông này lại
là chú vợ của quan. Ít lâu sau, quan phủ về làng Yên Đổ, vừa về đến
đầu làng, thì trong đám dân đứng đón, có một cụ già khăn áo chỉnh tề,
bước ra trước mặt quan, cung kính chắp tay vái:
- Lạy quan lớn ạ.
Vừa thấy bố, quan phủ hoảng hốt, nhảy vội ra khỏi võng sụp lạy:
- Con lạy thày, thày tha cho, xin đừng làm vậy.
Nguyễn Khuyến tảng lờ như không, lễ độ nói:
- Nghe tin quan lớn về làng, tôi
tuy già yếu, cũng phải thân hành ra đón, kẻo quan lại trách tôi vô lễ
mà cho mấy roi như lý trưởng làng Vĩnh Trụ, thì tôi chịu sao nổi.
Nguyễn Hoan biết ý bố muốn dạy mình, vội xin lỗi, và hứa sẽ từ bỏ thói hống hách nghênh ngang.
3. Vịnh trâu già
Năm 1902, vua Thành Thái ra Hà Nội
khánh thành cầu Doumer (cầu Long Biên). Các bậc khoa bảng và quan chức
các tỉnh phía Bắc đều phải có mặt, Nguyễn Khuyến cũng phải đến bái yết.
Nhìn trên khán đài, có bà hoàng phi
của vua, hồi trẻ suýt trở thành con dâu cả của nhà thơ, lại có viên
toàn quyền Pháp Paul Doumer. Ông không muốn lạy, giả vờ dềnh dàng sửa
áo sửa khăn, loay hoay như một con trâu vướng cột, trông rất buồn cười.
Nhà vua chờ lâu, khó chịu quở trách, ông lấy cớ mình già nua chậm
chạp, chống chế xin lỗi. Sau khi biết đấy chính là Nguyễn Khuyến, danh
sĩ số một của đất Bắc, Vua cũng bỏ qua, song bắt ông làm bài thơ tạ
tội, lấy đề thơ là "Vịnh trâu già". Sau một lúc suy nghĩ, ông xin đọc:
Một nắm xương khô, một nắm da
Bao nhiêu cái ách đã từng qua
Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa
Tai nặng buồn nghe Ninh Tử ca
Sớm thả vườn Đào chơi đủng đỉnh
Tối về thôn Hạnh thở nghi nga
Có người toan giết tô chuông mới
Ơn đức Vua Tề lại được tha.
Bài thơ thật hợp với đề tài và sâu
sắc, mượn trâu để nói lên tâm trạng của mình: Tôi gầy ốm vì qua nhiều
tai ách, chán chường chuyện mưu kế của tướng Điền Đan (1)
đốt đuối trâu tấn công kẻ thù, tai cũng chả buồn nghe những lời ton
hót của kẻ nịnh bợ (có chăng là buồn vì nghe tiếng ca của hiền tài Ninh Thích (2) không được trọng dụng); Tôi như trâu có công thời Vũ Vương đánh Trụ (3),
được ăn nơi vườn Đào, ngủ ở thôn Hạnh đấy; người ta tính đem tôi đi "tế
chuông", nhà vua có tha cho tôi như vua Tề năm xưa không?
Vua lắng nghe và nghĩ ngợi, quả
thật là hay nhất là câu cuối "Ơn đức vua Tề lại được tha", nhà vua tha
cho ông tội bất kính và còn thưởng cho một tấm lụa.
Chú thích:
(1) Điền Đan là
danh tướng nước Tề thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông có
công đánh đuổi quân Yên, khôi phục nước Tề vào đầu thế kỷ 3 TCN.
(2) Ninh Thích,
người nước Vệ thời Xuân Thu. Người có tài kinh bang tế thế. Lúc còn hàn
vi, chưa gặp thời, mình mặc áo cộc, đầu đội nón rách, đi chân không,
thường gõ vào sừng trâu mà hát ở núi Dao Sơn.
Lúc bấy giờ Tề Hoàn Công đem binh đánh Tống. Tể tướng nước Tề là Quản Di Ngô (Quản Trọng) đi
trước. Ngồi trên xe nghe tiếng hát, biết không phải là người thường mới sai quân sĩ đem tặng cơm rượu. Ninh thích nói:
- Tôi muốn được yết kiến quan Tể tướng.
Quân sĩ nói: - xe quan Tể tướng đã đi khỏi.
Ninh Thích nói:
- Tôi có một câu này nhờ người đọc lại cho quan Tể tướng nghe. Ấy là câu: "Nước trong leo lẻo..."
Quân sĩ theo kịp xe Quản Di Ngô,
thuật cả lại cho nghe. Di Ngô không hiểu được ý câu nói ấy ra sao. Có
người thiếp yêu là Tĩnh Nương vốn thông minh học rộng thường được theo
hầu. Di Ngô hỏi, nàng nói:
- Thiếp nghe cổ giả có bài thơ
"Nước trong". Có câu: "Nước trong leo lẻo, cá lượn giữa dòng; người đến
triệu ta, ta cũng bằng lòng". Ý chừng người chăn trâu muốn ra làm quan
đó.
Di Ngô lập tức dừng xe lại, cho người mời. Ninh Thích đến chào mà không lạy. Di Ngô hỏi qua họ tên,
thân thế và học thức, Ninh Thích đối đáp thông suốt như nước chảy. Di Ngô khen tài, bảo:
- Kẻ hào kiệt lúc chưa gặp thời,
không có người tiến cử thì sao cho rõ tài được. Đại binh của chúa công
ta đi sau, cũng sắp đến đây, ta viết cho nhà thầy một bức thư để cầm
đưa cho chúa công ta, tất chúa công trọng dụng.
Ninh Thích cầm lấy thư. Ba hôm sau, đại binh Tề Hoàn Công kéo đến. Ninh Thích gõ vào sừng trâu, cất tiếng hát:
Kìa sông Thương Lang, đá trắng lởm chởm,
Có con cá chép dài một thước hơn.
Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp,
Áo cộc che thân độ đến ngang lưng,
Ta cho trâu ăn từ tối đến đêm.
Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng!
(Bản dịch của Nguyễn Hoài Nam).
Tề Hoàn Công nghe thấy lấy làm giận, sai quân đòi đến. Hoàn Công hỏi họ tên rồi bảo:
- Nhà ngươi là đứa chăn trâu, sao dám gièm chê việc chính trị?
Ninh Thích đáp: - Tôi có dám gièm chê chính trị đâu.
Hoàn Công nói: - Ngày nay trên thì
có thiên tử nhà Chu trị vì, dưới thì các chư hầu. Nhân dân vui vẻ, cây
cỏ tốt tươi, dẫu đời Nghiêu Thuấn thái bình chẳng qua cũng chỉ như thế.
Vậy mà ngươi dám bảo: "Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp", lại
bảo: "Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng". Thế không phải gièm chê chính
trị là gì?
Ninh Thích thưa: -
Tôi nghe nói đời Nghiêu Thuấn mưa gió thuận hòa, dân gian không phải lo
sợ gì, chỉ việc cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống. Đời bây giờ trái
lại, giềng mối đổ nát, giáo hóa suy đồi, thế mà bảo "Nghiêu Thuấn thái
bình" thì thật tôi không hiểu được. Vả lại đời Nghiêu Thuấn trừ bốn kẻ
hung ác mà thiên hạ được yên. Từ bấy giờ không phải nói mà dân tin,
không phải giận mà dân sợ. Nay chúa công mới hội chư hầu, đã thấy nước
Tống bội ước, nước Lỗ hiếp thề, chinh chiến quanh năm. Tôi lại nghe nói
vua Nghiêu bỏ con mà nhường thiên hạ cho ông Thuấn, Thuấn không chịu
nhận bỏ trốn ra Nam Hà, trăm họ rủ nhau mà theo Thuấn. Bấy giờ ông Thuấn
bất đắc dĩ mới lên nối ngôi. Nay chúa công giết anh ruột mà cướp nước,
lại mượn uy thiên tử để sai khiến các chư hầu. Vậy thì tôi không biết
có phải là lối vái nhường nhau như vua Nghiêu, vua Thuấn ngày xưa
không?
Tề Hoàn Công nổi giận, quát: - Đứa thất phu dám nói càn!
Liền truyền quân sĩ dẫn ra chém.
Ninh Thích bị trói dẫn đi, nhưng vẫn nghiễm nhiên, không sợ hãi, ngửa
mặt lên trời nói: "Ngày xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ
Can, nay tôi cùng với hai ông ấy kể là ba người".
Quan Đại phu là Thấp Bằng thưa với
Tề Hoàn Công: - Người ấy không xu phụ quyền thế, không sợ uy nghiêm,
chẳng phải là kẻ chăn trâu tầm thường đâu. Chúa công chớ nên giết.
Hoàn Công nguôi cơn giận, truyền mở
trói. Ninh Thích bấy giờ mới đem bức thư giới thiệu của Quản Di Ngô
dâng lên. Tề Hoàn Công xem xong, mỉm cười bảo: - Đã có bức thư của
Trọng Phụ, sao không đưa ngay? Ninh Thích thưa:
- Tôi nghe nói vua hiền chọn người
mà dùng, tôi hiền chọn chúa mà thờ. Nếu chúa công ghét người thẳng, ưa
người nịnh mà nhân lên cơn giận giết tôi, thì tôi thà chết đi, chớ
quyết không đưa thư của quan Tể tướng làm gì nữa.
Tề Hoàn Công bằng lòng lắm, truyền cho ngồi một chiếc xe sau. Tối hôm ấy, khi đóng quân lại nghỉ,
Hoàn Công sai thắp đèn lên tự đi tìm mũ áo. Có tên cận thần là Thụ Điêu hỏi:
- Chúa công cho tìm mũ áo có phải muốn phong cho Ninh Thích chăng?
- Phải.
Thụ Điêu thưa: - Từ nước ta sang Vệ
cũng chẳng xa bao nhiêu, sao chúa công không cho người sang hỏi dò
xem. Nếu thực là hiền, bấy giờ sẽ phong tước cho, có chi mà vội.
Tề Hoàn Công nói:
- Người này là một bực đại tài
không câu nệ những điều nhỏ nhặt. Hoặc giả khi ở nước Vệ, cũng có vài
điều lỗi nhỏ, nếu dò hỏi biết những điều lỗi ấy chẳng lẽ lại phong tước
cho. Còn nếu bỏ đi không dùng thì đáng tiếc lắm.
Nói xong, phong ngay cho Ninh Thích làm quan Đại phu, để cùng với Quản Di Ngô trông coi quốc chính.
(3) Phong thần diễn nghĩa cũng gọi là Bảng phong thần, Vũ Vương phạt Trụ ngoại sử phong thần diễn nghĩa, Phong thần truyện, Thương Chu liệt quốc toàn truyện, là một tác phẩm văn học dạng tiểu thuyết thần quái thời nhà Minh, bao gồm 100 hồi.
Là một bộ tiểu thuyết được viết lại trên cơ sở cuốn Vũ Vương phạt Trụ bình thoại in đời Nguyên, rồi nhào nặn tư liệu lịch sử với thần thoại, truyền thuyết và tôn giáo mà thành, Phong thần diễn nghĩa
xoay quanh việc suy vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu, lồng
vào đó là vô số thần thoại, truyền thuyết Trung Hoa, bao gồm các thần,
tiên, yêu quái v.v…
NGUYỄN KHUYẾN VIẾT CÂU ĐỐI
Cứ mỗi khi Tết
đến Xuân về hoặc khi có đại sự, người ta đều đến Vườn Bùi để xin cụ Tam
Nguyên Yên Đổ đôi câu đối. Cụ Tam Nguyên không bao giờ từ chối sự tín
nhiệm của người dân và tùy vào gia cảnh và tính cách của từng người, cụ
đều có một ngụ ý sâu sắc. Ví dụ như chuyện Cụ viết Câu đối cho thợ xẻ sau đây:
Ở làng Nãi Văn (nay
thuộc xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) có một người chủ gia đình
tên là Hàn Soạn. Chữ Hàn ở đây hàm nghĩa là nghèo. Hàn Soạn, có nghĩa
anh ta tên Soạn và nghèo. Do gặp vận may và cũng biết cơ chỉ làm ăn,
chắt bóp, đến một dạo Hàn Soạn đã "đổi đời". Tâm tính anh ta cũng
chuyển đổi: Càng khá giả anh ta càng tỏ ra khinh người, dáng đi điệu
đứng khệnh khạng, ngữ khí hách dịch, kẻ cả, rất có vẻ ta đây.
Hàn Soạn làm nhà to,
còn xây liền kề một ngôi từ đường lớn làm nơi thờ phụng tiên tổ, ông
cha. Một ngôi từ đường oách đến thế không thể thiếu bức hoành phi, đôi
câu đối của cụ Tam nguyên Yên Đổ. Hàn Soạn đến làng Và, tìm vào Vườn
Bùi, trang viên của cụ Tam nguyên, nêu nguyện vọng với cụ. Cụ Tam
nguyên có một cái đức: Ai xin chữ hay mua chữ, cụ đều vui vẻ nhận lời,
không phân biệt kẻ sang người hèn, liền viết ngay đôi câu đối cụ viết
cho Hàn Soạn:
Nhất mạch quán thông, vãng giả quá, lai giả tục.
Tam thần cung bái, ấu tại hậu, trưởng tại tiền.
Nghĩa là: Một mạch thông suốt, người trước qua, người sau tiếp.
Ba vì lễ bái, trẻ lễ sau, già lễ trước.
Mang cặp câu đối về,
Hàn Soạn rất hài lòng, vì nội dung của nó ca ngợi "dòng dõi gia giáo"
và ngày càng hưng thịnh của gia đình anh ta. Hàn Soạn cho chạm khắc vào
hai tấm gỗ quý, sơn son thếp vàng, treo trang trọng hai bên tả - hữu
từ đường. Ai vào nhà, Hàn Soạn cũng khéo léo giới thiệu cặp câu đối ứng
rất sát với hoàn cảnh danh giá của anh ta. Khi được khách ngợi khen,
Hàn Soạn càng vênh vang.
Nhưng cũng chỉ vì có
sự xuất hiện của cặp câu đối có vẻ kỳ kỳ ấy trong từ đường nhà Hàn Soạn
mà từ đó người ta bắt đầu có cái nhìn săm soi, bới lông tìm vết với
gia đình anh ta. Người ta nhớ ra ba đời nhà anh ta từng làm thợ xẻ. Họ
bắt đầu đọc và suy ngẫm kỹ lưỡng hơn cặp câu đối cụ Nguyễn Khuyến viết
cho Hàn Soạn. Cuối cùng họ luận ra, cặp câu đối, ngoài cái nghĩa bề
nổi, còn có một nghĩa chìm, mô tả những động tác của cha con thợ xẻ:
Một mạch cưa thông suốt, kẻ kéo qua, người kéo lại.
Ba vì lạy nhau, con lạy trước, cha lạy sau.
Ngụ ý của cụ Tam
nguyên là muốn nhắc nhở Hàn Soạn: Trước kia ba đời nhà anh làm thợ xẻ,
cũng nghèo khổ lắm, bây giờ mới khá giả chớ vội vênh vang, khinh suất,
chẳng hay hớm gì. Khi Hàn Soạn nghe được ý đó, toan hạ cặp câu đối
xuống, nhưng lại cảm thấy xót tiền của bỏ vào việc mua gỗ và thuê người
trạm khắc, hơn nữa, anh ta nghĩ: Ở cái vùng quê đa phần là nông dân
mù chữ này mấy ai suy diễn được cái ý thứ hai của câu đối!? Thế là anh
ta cứ để treo....
*
Chân dung tự họa của Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến được kính trọng không
chỉ vì tài văn chương mà còn vì ông đạo đức sáng như gương và có tấm
lòng nhân ái bao la. Bài thơ Khóc Dương Khuê (+) gây xúc động lan tỏa và được xem là bài thơ hay nhất về tình bạn đương thời cũng như về sau:
(Tác giả tự dịch bài Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư).
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa[1] ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi tầng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần[2] trước sau,
Buổi dương cửu[3] cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng[4] chẳng dám tham trời;
Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng sao đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa;
Giường kia treo những hững hờ[5],
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn[6].
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!
Chú thích :
1. Đi thi đỗ.
2. Đọc sách, tra cứu.
3. Ý nói thời gian nan.
4. Cái đấu, cái thăng, đơn vị đo
lường ngày xưa. Câu này ý nói: trước cảnh đời đổi thay phải từ quan về,
nhà thơ không dám tham công danh bổng lộc nữa.
5. Trần Phồn đời Hậu Hán, dành riêng cho bạn thân một cái giường khi bạn đến thì mời ngồi, lúc bạn về thì treo lên.
6. Nhắc lại tích Bá Nha và Chung Tử Kì: Khi Tử Kì mất thì Bá Nha đập nát cây đàn, không gảy đàn nữa.
Quả là khi mất đi người bạn tri âm
thì nhà thơ cô đơn tuyệt đối: một ông già cô đơn sống trong cảnh hàn
Nho chính là chân dung tự họa của Nguyễn Khuyến được vẽ bằng những vần
thơ nao lòng:
Tự trào
Cũng chẳng giàu, mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng.
Cờ đang dở cuộc, không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!
Tự thuật
Tháng ngày thấm thoát tựa chim bay,
Ông ngẫm mình ông, nghĩ cũng hay.
Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ?
Răng long ngày trước hãy còn đây.
Câu thơ được chửa, thưa rằng được.
Chén rượu say rồi, nói chửa say.
Kẻ ở trên đời lo lắng cả,
Nghĩ ra ông sợ cái ông này.
Mạn hứng
Cáo việc kinh đô, sống ở nhà.
Mấy năm nghèo ốm chỉ mình ta.
Trước cửa, mặt trời thu bóng ngắn,
Ngoài sân, gió thổi khóm tre ngà.
Lão nông biết ruộng cằn hay tốt.
Người buôn hiểu rõ đấu non già.
Hứng lên, chỉ bạn cùng chai rượu,
Ngồi nhìn ngọn núi biếc xa xa.
Cảnh già
Nhớ từ năm trước hãy thơ ngây,
Phút chốc mà già đã đến ngay.
Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay.
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ,
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say.
Còn một nỗi này thêm chán ngắt,
Đi đâu dở những cối cùng chầy.
Đại lão
Năm nay tớ đã bảy mươi tư,
Rằng lão, rằng quan tớ cũng ừ.
Lúc hứng, uống thêm dăm chén rượu,
Khi buồn ngâm láo một câu thơ.
Bạn già lớp trước nay còn mấy?
Chuyện cũ mười phần chín chẳng như[1].
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,
Thử xem trời mãi thế này ư?
Chú thích: 1.Đời mười phần không vừa ý mình đến tám, chín phần.
Cảm hứng
Ngày trước cũng lên lạy cửa trời[1],
Lâu nay vắng vẻ bặt tăm hơi.
Nước non man mác về đâu tá?
Bạn bè lơ thơ sót mấy người.
Đời loạn đi về như hạc độc[2],
Tuổi già hình bóng tựa mây côi[3].
Đã hay nhờ được hao mòn lắm,
Một thí[4] lòng son chửa rõ mười.
Chú thích:
1. Ý nói: nhà thơ lúc làm quan cũng đã cùng với bạn vào chầu vua ở triều đình
2. Con hạc một mình cô độc, không có bạn.
3. Đám mây lẻ loi như mồ côi.
4. Một chút
Đêm đông cảm hoài
Nỗi nọ, đường kia xiết nói năng!
Chẳng nằm, chẳng nhắp, biết mần răng?
Đầu cành, mấy tiếng chim kêu tuyết.
Trước điếm, năm canh chó sủa trăng.
Bảng lảng lòng quê khôn chợp được.
Mơ màng cuộc thế cũng cầm bằng.
Canh gà eo óc đêm thanh thả,
Tâm sự này ai có biết chăng?
Chính cảnh cô độc đó của một trái
tim nhạy cảm, của một nỗi lòng ưu thời mẫn thế đã cho đời một Thi nhân
với cốt cách thanh cao, sáng đẹp…Hãy nghe tâm sự cuối cùng Nguyễn
Khuyến gửi lại hậu thế:
Di chúc
(Tác giả tự diễn Nôm bài Di chúc văn thành thể song thất lục bát).
Kém hai tuổi xuân đầy chín chục.
Số thầy sinh phải lúc dương cùng[1].
Đức thầy đã mỏng mòng mong,
Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy.
Học chẳng có rằng hay chi cả.
Cưỡi đầu người kể đã ba phen[2];
Tuổi là tuổi của gia tiên,
Cho nên thầy được hưởng niên lâu ngày.
Ấy thuở trước ông mày chẳng đỗ[3],
Hóa bây giờ cho bố làm nên;
Ơn vua chửa chút báo đền,
Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời.
Sống không để tiếng đời ta thán,
Chết được về quê quán hương thôn;
Mới hay trăm sự vuông tròn,
Sống lâu đã trải, chết chôn chờ gì?
Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt,
Kín chân tay đầu gót thời thôi;
Cỗ đừng to lắm con ơi,
Hễ ai chạy lại, con mời người ăn.
Tế đừng có viết văn mà đọc,
Trướng đối đừng gấm vóc làm chi;
Minh tinh[4] con cũng bỏ đi,
Mời quan đề chủ[5] con thì chớ nên.
Môn sinh[6] chớ bổ tiền đặt giấy,
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi;
Khách quen chớ viết thiếp mời.
Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu.
Chẳng qua nợ để cho người sống,
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu!
Lại mang cái tiếng to đầu,
Khi nay bày biện, khi sau chê bàn.
Cờ biển của vua ban ngày trước,
Khi đưa thầy con rước đầu tiên;
Lại thuê một lũ phường kèn,
Vừa đi vừa thổi mỗi bên dăm thằng.
Việc tống táng nhung nhăng qua quýt,
Cúng cho thầy một ít rượu hoa;
Đề vào mấy chữ trong bia,
Rằng: "Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu".
Chú thích:
1. Ý nói nhà thơ đã đến ngày tận số
2. Ý nói: nhà thơ qua ba kì thi đều đỗ đầu bảng (tam nguyên)
3. Ông cụ thân sinh nhà thơ thuở trước cũng là chân học khoa cử, nhưng không đỗ đạt cao
4. Một mảnh lụa, mảnh vải hoặc mảnh giấy đề tên hiệu, tên thụy, tuổi và chức tước, địa vị người chết trong khi đưa đám ma
5. Viết tên và hiệu người chết vào. Việc viết này thường được coi là tôn trọng, nên phải mời người có chức tước làm
6. Học trò cùng học một thầy
Sài Gòn, tháng 10-2010
Đỗ Ngọc Thạch
--------
Chú thích:
(*) Nguyễn Khuyến (1835-1909): tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi;
Quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; Quê
nội của ông là làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cha
Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi (1796-1853), thường gọi là Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài, làm nghề dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan (1799-1874), nguyên là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê mạt.
Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử
nhân (tức Giải nguyên) trường Hà Nội. Năm sau (1865), ông trượt thi Hội
nên phẫn chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1871, ông
mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến
thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát
tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang
năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với
nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa
thu năm 1884 và qua đời tại đây.
Tác phẩm của Nguyễn Khuyến gồm có: Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ,"Bạn đến chơi nhà" và nhiều bài ca, hát nói, văn tế, câu đối truyền miệng. Quế sơn thi tập
khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng Chữ Nôm với nhiều
thể loại khác nhau. Có bài tác giả viết bằng chữ Hán rồi dịch ra tiếng
Việt, hoặc ngược lại, ông viết bằng chữ Việt rồi dịch sang chữ Hán. Cả
hai loại đều khó xác định vì nó rất điêu luyện. Trong bộ phận thơ Nôm,
Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, đậm tư
tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình.
(**) Đào Tiềm (365 - 427), hiệu Uyên Minh, tự Nguyên Lượng biệt hiệu là Ngũ liễu tiên sinh, người đất Tầm Dương, nay thuộc huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, là một trong những nhà thơ lớn của TQ.
Năm 29 tuổi, ông làm Tế tửu Giang
Châu. Mười ba năm tiếp theo, mấy lần ông làm quan nhỏ, mỗi lần chỉ
trong thời gian ngắn. Khoảng 40 tuổi, vì nhà nghèo mà còn phải nuôi mẹ
già, vợ con (ông có năm người con trai), nên ông ra làm huyện lệnh Bành
Trạch (vì thế còn gọi là Đào Bành Trạch). Được hơn 80
ngày, nhân cuối năm quận phái viên đốc bưu đến huyện, nha lại khuyên
Đào Tiềm chỉnh đốn y phục ra đón. Ông than rằng: "Ngã khởi năng vị ngũ
đấu mễ chiết yêu quyển quyển sự hương lý tiểu nhân đa" (Ta sao lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru!).
Ngay hôm ấy ông viết bài Quy khứ lai từ
(Lời bày tỏ việc trở về), rồi trả ấn bỏ quan mà về. Năm ông 62 tuổi,
gặp lúc đói kém, nhà thơ lâm cảnh khốn cùng đến mức phải đi xin ăn. Tiêu
Thống đời Lương viết Truyện Đào Uyên Minh kể lại rằng: “Khi
Thứ sử Giang Châu là Đàn Đạo Tế đến thăm thì thấy nhà thơ nằm co ro,
nhịn đói đã mấy ngày. Đạo Tế cho đưa rượu thịt tới, ông vẫy tay bảo đưa
ra. Không bao lâu thì mất" (năm 427 thời Nam Bắc triều), thọ 63 tuổi.
Ông mất, để lại một số thơ văn, người đời sưu tập lại thành Đào Uyên Minh thi văn tập, 10 quyển, trong đó có trên 120 bài thơ.
(***) Quê hương, đất nước: xin đọc thêm một số bài thơ sau:
Trở về vườn cũ
(Tác giả tự dịch bài Bùi Viên cựu trạch ca. Bài thơ này được sáng tác sau khi Nguyễn Khuyến từ chối chức Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên cáo quan về ở ẩn).
Vườn Bùi[1] chốn cũ,
Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây.
Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây,
Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế.
Bành Trạch[2] cầm xoang ngâm trước ghế,
Ôn công[3] rượu nhạt chuốc chiều xuân.
Ngọn gió đông ngảnh lại lệ đầm khăn
Tính thương hải tang điền qua mấy lớp?
Ngươi chớ giận Lỗ hầu[4] chẳng gặp.
Như lơ phơ tóc trắng lại làm chi
Muốn về sao chẳng về đi?
chú thích:
1. Vườn Bùi, ở thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục (Hà Nam) quê hương Nguyễn Khuyến.
2. Bành Trạch tức Đào Tiềm đời Tấn, cáo quan về ở ẩn ; xem chú thích (**).
3. Ôn công tức Tư Mã Quang đời Tống, khi cáo quan về ở ẩn chỉ uống rượu tiêu sầu.
4. Tức Lỗ Bình Công.
Thể loại: Hát nói
Chơi chợ trời Hương Tích
Ai đi Hương Tích chợ trời đi!
Chợ họp quanh năm cả bốn thì.
Đổi chác người tiên cùng khách bụt,
Bán buôn gió chị lại trăng dì.
Yến anh chào khách nhà mây tỏa,
Hoa quả bày hàng điếm cỏ che.
Giá áo, lợn, tằm, tiền, gạo đủ.
Bán mua mặc ý muốn chi chi.
Chơi núi Non NướcChom chỏm trên sông đá một hòn,
Nước trôi sóng vỗ biết bao mòn?
Phơ đầu đã tự đời Bàn Cổ[1],
Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con.
Rừng cúc tiền triều[2] trơ mốc thếch,
Hòn câu Thái phó[3] tảng rêu tròn.
Trải bao trăng gió xuân già giặn,
Trời dẫu già, nhưng núi vẫn non.
Chú thích: Núi Non Nước là một thắng cảnh nằm ven bờ sông Đáy ở thành phố Ninh Bình.
1. Ông Bàn Cổ sinh từ lúc mới có trời đất
2. Triều vua thời trước
3. Tảng đá mà thái phó Trương Hán Siêu đã ngồi câu cá
Chơi thuyền Hồ Tây (1)
Thuyền lan[2] nhè nhẹ.
Một con thuyền đủng đỉnh dạo Hồ Tây.
Sóng rập rờn sắc nước lẩn chiều mây[3],
Bát ngát nhẽ dễ trêu người du lãm[4].
Yên thủy mang mang vô hạn cảm,
Ngư long tịch tịch thục đồng tâm[5].
Rượu lưng bầu, mong mỏi bạn tri âm[6].
Xuân vắng vẻ, biết cùng ai ngâm họa?
Gió hây hẩy bỗng nức mùi hương xạ,
Nhác trông lên, vách phấn[7] đã đôi bài.
Thơ ai, xin họa một vài.
Chú thích:
1. Hồ Tây: tên một cái hồ ở phía tây thành phố Hà Nội lại có tên chữ là "Lãng bạc hồ".
2. Thuyền lan: thuyền làm bằng gỗ mộc lan.
3. Sắc nước lẩn chiều mây: màu nước hồ có vẻ mây che phủ, vì mặt nước phản chiếu mây ở trên trời.
4. Người du lãm: người đi chơi để xem cảnh.
5. Câu 5-6: khói nước mông mênh (gây nên) cảm xúc vô hạn. Cá và rồng vắng vẻ lấy ai bạn cùng?
6. Tri âm: ở đây là người bạn thân thiết, hiểu biết mình, cũng như chữ "tri kỷ".
7. Vách phấn: vách quét vôi trắng.
Thể loại: Hát nói
(****) Hát Nói: Xin xem bài viết : Ca Trù - nơi gặp gỡ giai nhân tài tử - Đỗ Ngọc Thạch
(+) Dương Khuê (1839-1902), hiệu Vân Trì;
quê ở làng Vân Đình huyện Sơn Minh phủ Ứng Hòa tỉnh Hà Đông (nay thuộc
Hà Nội); đỗ Tiến sĩ năm 1868, làm quan đến chức Thượng thư, sáng tác
nhiều bài thơ chữ Nôm làm lời cho các bài hát ca trù nổi tiếng.
Dương Khuê thi Hội đỗ cử nhân năm
1864, cùng khoa này Nguyễn Khuyến đỗ Hội nguyên. Năm Mậu Thìn (1868),
thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ. Sau khi đỗ
Tiến sĩ, Dương Khuê được bổ làm tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi
được thăng làm Bố chánh. Nhưng vì dâng sớ lên can vua Tự Đức: không nên nhượng bộ Pháp nữa,
nên ông bị điều đi làm Chánh sứ sơn phòng lo việc khai hoang. Sau đó
ông lại được cử giữ chức Án sát Hải Phòng, rồi Tổng đốc Nam Định - Ninh
Bình, cuối cùng làm Thượng thư cho đến khi xin cáo quan về hưu.
(hết)
Đỗ Ngọc Thạch
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét