Mấy nhận thức về Phê bình văn học - Phạm Vĩnh Cư
Mấy nhận thức về phê bình văn học (06/05/2013)
Được dân chủ hoá đến cùng và được đặt trên cơ sở khoa học nghiêm túc, phê bình văn học sẽ thực sự trở thành trường đua của các trí tuệ và các khiếu thẩm mỹ, nơi không có chỗ cho những tiếng nói quyền uy, hay cho những ý đồ ban phát ân huệ hoặc rửa những mối thù cá nhân. Chức năng cơ bản của phê bình văn học - xác lập những giá trị thẩm mỹ và xúc tác cho sự ra đời những giá trị mới - sẽ được thực hiện ngày một tốt hơn.
Mấy nhận thức về phê bình văn học
MẤY NHẬN THỨC VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Phạm Vĩnh Cư
1. Bản chất của phê bình văn học là gì? Mặc dù, như ta biết, trong các ngôn ngữ hiện đại tổ từ “phê bình văn học” có nội hàm rộng hẹp khác nhau, từ đấy mà người ta có thể có những quan niệm rất không giống nhau về chức năng và công dụng của loại hình hoạt động xã hội này, vẫn không khó đi đến một lời đáp thống nhất cho câu hỏi vừa nêu. Nó không mới, và nhiều trí tuệ thuộc nhiều dân tộc và thời đại khác nhau đã trả lời nó khá thoả đáng. Trong một áng văn rất cổ xưa của Platon các nhà phê bình văn học thời nay tìm thấy một định thức chuẩn xác về thực chất của cái công việc mà họ đương làm. Đề cập đến những tiêu chuẩn của một công dân Hy Lạp có học, Platon nhấn mạnh tầm quan trọng của việc am hiểu thơ ca, tức là “hiểu được những gì mà các nhà thơ nói, phán định được cái gì hay và cái gì không hay trong những trước tác của họ, biết phân tích những cái đó và giải thích, nếu có ai hỏi”.(1) Platon nói về nền phê bình nói - hình thức phê bình văn học ngàn đời tồn tại song hành với sáng tác văn học và ngày nay vẫn có chỗ đứng ngay trong những xã hội hiện đại nhất. Giữa phê bình nói và phê bình viết không thể có khác biệt về đối tượng, và Platon đã chỉ ra cái đối tượng muôn thuở ấy của phê bình văn học - đó là tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học, chứ không phải những tác giả hay những trào lưu trường phái hay những thời đại văn học - tất cả chúng đều là những đại lượng, những cấu trúc phối sinh do tác phẩm hun đúc nên. Định thức của Platon cũng nêu bật được sự khác biệt cơ bản giữa nhà phê bình văn học với người thưởng thức bình thường - nhà phê bình không chỉ phân định được cái hay và cái không hay trong tác phẩm văn học mà còn biết phân tích và giải thích cho người khác. Để phân định được cái hay và cái không hay trong tác phẩm văn học, nhà phê bình phải có khiếu thẩm mỹ tốt, tinh tế; để phân tích và giải thích được cho người khác những cảm nhận của mình, anh ta phải nắm vững những thủ pháp tư duy luận lý - trong định thức ngắn gọn của Platon tiềm ẩn một yêu cầu và một tiêu chí về nhà phê bình văn học như là con người kết hợp được ở trong mình một nghệ sĩ với một nhà khoa học, yêu cầu ấy và tiêu chí ấy luôn luôn thiết yếu và không bao giờ lỗi thời.
2. Như vậy, mọi hành động nhận xét, bình phẩm, phân tích tác phẩm văn học, dù dưới hình thức nói hay viết, đều là phê bình văn học. Sự ra đời của những tác phẩm văn học cộng với dư luận về chúng tạo nên đời sống văn học. Những tác phẩm thu hút được sự quan tâm của công luận trở thành những hiện tượng văn học. Như định thức của Platon cho thấy, trong các xã hội truyền thống, nơi khoa học và công nghệ còn chưa phát triển, nơi nền giáo dục chủ yếu mang nội dung nhân văn, có học đồng nghĩa với có năng lực phê bình văn học. Công việc này được nhiều người làm, nhưng chưa có ai chuyên làm. Phê bình văn học chuyên nghiệp là sản phẩm của thời đại mới và ngay ở châu Âu nó cũng chỉ có lịch sử hai thế kỷ. Nó gắn liền với báo chí và với đô thị tư bản chủ nghĩa. Nó đóng vai trò trung gian giữa sáng tác văn học và công chúng thưởng thức, công chúng này giờ đây bận rộn với trăm ngàn ngành nghề lao động khác nhau và đã không còn có điều kiện trực tiếp theo dõi đời sống văn học, bây giờ đã bao gồm không chỉ những tác phẩm nội địa, mà còn những tác phẩm dịch từ các tiếng nước ngoài. Nền phê bình mới này, vận hành trong những xã hội có khoa học phát triển, không thể không chịu ảnh hưởng của tư duy khoa học, bộc lộ chí hướng trở thành một khoa học giữa nhiều khoa học nhân văn đã và đang hình thành. Mặt khác, vẫn là một bộ phận của văn học, nó cùng với văn học tồn tại trong khu vực tiếp xúc gần nhất với đời sống xã hội, hấp thụ trực tiếp những tư tưởng xã hội khác nhau và phân hoá trên cơ sở ấy thành những trường phái trào lưu theo đuổi những mục đích nhiều khi đối lập. Đặc trưng cho phê bình văn học thế kỷ XIX là H. Taine và E. Renan ở Pháp, T. Carlyl và J. Ruskin ở Anh, Gervenus và Lassal ở Đức, De Sanctis ở ý, Belinski, Chernyshevski và Plekhanov ở Nga - họ toàn là những nhà tư tưởng sử dụng phê bình văn học như là vũ khí trong cuộc đấu tranh xã hội. Nhờ nội dung và cảm hứng đấu tranh xã hội ấy mà nhiều tác phẩm phê bình văn học của họ gây được tiếng vang sâu rộng, đặc biệt ở những nước như Nga và Đức nơi nhiều vấn đề xã hội gay cấn tồn đọng hàng thế kỷ không được giải quyết. Khuynh hướng chính trị hoá phê bình văn học manh nha trong thế kỷ XIX, đáng tiếc sẽ phát triển tràn lan trong thế kỷ XX và được chính thức hoá ở những nước có chính thể toàn trị (totalitarisme). ở những nước thiếu vắng dân chủ ấy phê bình văn học (và văn hoá-văn nghệ nói chung) trở thành một lĩnh vực hoạt động xã hội mang tính quan phương, quyền uy, phản bội bản chất của hoạt động phê bình như là sự trao đổi tự do và bình đẳng những ý kiến, nhận định khác nhau. Kết quả là khi chính thể thay đổi, không một nhà phê bình chính thống nào tồn tại lâu hơn chế độ đã sụp đổ. Văn học Nga thời Xôviết đã để lại hàng chục, hàng chục tên tuổi sáng giá, trong khi đó không một nhà phê bình nào làm mưa làm gió thời ấy bây giờ còn được nhắc tên.
3. Đáng để ý là nền phê bình văn học hiện đại ra đời hầu như cùng một lúc với khoa lịch sử văn học. Cũng như lịch sử văn học, nền phê bình hiện đại chỉ hình thành, khi trong xã hội đã ưu thắng một ý thức văn học mới, đoạn tuyệt với tinh thần sùng cổ và nệ cổ, bãi bỏ quan niệm về những khuôn vàng thước ngọc vĩnh hằng, đề cao cái mới và chủ tâm hướng tới sự đổi mới không ngừng trong sáng tạo nghệ thuật. Cái ý thức văn học mới ấy, đặc trưng cho thời hiện đại, là một biểu hiện và một bộ phận của ý thức lịch sử mới và cảm quan thế giới mới, hình thành tiệm tiến trong quá trình chuyển hoá xã hội loài người từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp, từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động, từ truyền thống sang cách tân. Thời kỳ cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX ở châu Âu - thời đại của cách mạng công nghệ và những cuộc cách mạng xã hội - là một trong những giai đoạn hoàn kết quá trình ấy. Bức tranh mới về thế giới định hình vào cuối thời kỳ này, mà trong đó thời gian thu nhận được tính vectơ không thể đảo ngược, ngày hôm nay khác ngày hôm qua, ngày hôm qua khác ngày hôm kia và ngày mai chưa biết sẽ ra sao, nhưng chắc chắn sẽ không giống ngày hôm nay làm thay đổi hẳn thái độ của con người đối với cái hiện tại và cái quá vãng. Cái hiện tại - đối tượng của phê bình văn học - từ nay được chú trọng và quý trọng không chỉ vì nó tiếp tục cái quá vãng, mà còn vì những cái mới mà nó đem lại. Nhạy cảm với cái mới, biết phát hiện những tài năng mới có khả năng làm thay đổi bộ mặt của văn học trở thành một tiêu chí quan trọng và đồng thời niềm tự hào của nhà phê bình văn học. Còn nhà lịch sử văn học thì, khảo sát những thời đại quá vãng, vừa cố gắng nhận chân từng thời đại với những đặc điểm khu biệt của nó, với những định hướng tinh thần và những giá trị riêng, những gương mặt và hiện tượng không lặp lại trong quá trình văn học vừa nỗ lực khám phá trong quá khứ ấy những phôi mầm sẽ lớn mạnh và đơm hoa kết trái trong tương lai.
Một yếu tố hệ trọng nữa đã ảnh hưởng quyết định đến phê bình văn học cũng như lịch sử văn học là sự trưởng thành trên cơ sở những nền văn minh khu vực nhiều nền văn học dân tộc khác nhau nhưng hiểu biết nhau và giao lưu tương tác mật thiết với nhau. Hầu hết các nhà phê bình văn học châu Âu đều là những học giả uyên bác, hiểu biết văn học, văn hoá, lịch sử không chỉ của nước mình; mỗi khi viết về những hiện tượng văn học nước mình, họ thường đưa mắt nhìn sang các nền văn học láng giềng, tìm kiếm những nét tương đồng hay dị biệt với họ, tạo những tiền đề sớm cho sự hình thành văn học so sánh. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, khái niệm “văn học thế giới” thu nhận được nội dung cụ thể và sống động. Mỗi nền văn học dân tộc giờ đây tương tác trực tiếp không chỉ với văn học các nước láng giềng, mà còn với văn học, văn hoá toàn thế giới. Văn học dịch trở thành một bộ phận tối quan trọng của đời sống văn học từng dân tộc, từng quốc gia. Nhà phê bình văn học thời nay ở bất cứ nước nào cũng phải có tầm nhìn toàn cầu, phải hiểu biết sâu rộng về những hiện tượng và những quá trình đương diễn ra trong phạm vi thế giới và ảnh hưởng nhiều khi bất ngờ đến văn học, văn hoá nước anh ta. Một thí dụ cụ thể: nhà phê bình văn học Việt Nam đương đại phải trả lời được câu hỏi: có hay không chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học nước nhà, nếu có thì từ bao giờ và ở trong sáng tác của những ai?
4. Có một quan niệm khá phổ biến: sáng tác thì khó, chứ phê bình thì dễ.Thế nhưng những kiệt tác phê bình văn học ở mọi nước đều rất hiếm hoi, hiếm hơn những sáng tác văn học kiệt xuất rất nhiều. Phê bình văn học gắn bó với báo chí thường chia sẻ số phận của những sản phẩm báo chí : chúng chóng trở nên cũ, lỗi thời. Phê bình văn học đại trà theo dõi văn học cùng thời đại mang trong mình những hạn chế của thời đại mình. Không có nền phê bình nào mà lại không bao giờ sai lầm, không bao giờ lẫn lộn vàng thau. Hiện tượng văn học càng độc đáo, mới mẻ, đi trước thời đại bao nhiêu thì lại càng có nguy cơ không được giới phê bình cùng thời để ý và khích lệ bấy nhiêu. Nhà phê bình có thể có biệt nhãn đối với hiện tượng văn học này và vô cảm đối với hiện tượng kia, ấy là chưa nói đến những bất công, thiên vị xuất phát từ những động cơ phi văn học cá nhân hay phe nhóm. Belinski đã phát hiện ra khá sớm Gogol, nhưng lại hờ hững đi qua Tiutchev, Baratynski và nhiều văn tài kiệt xuất khác. Nhà phê bình nào ở Nga những năm 60-70 thế kỷ XIX ý thức được hết giá trị của những tiểu thuyết vĩ đại của Dostoievski và Tolstoi? Cũng như thế, ở Pháp Baudelaire, Rimbaud, Lautréamont, Mallarmé phải chịu đựng những lời chỉ trích chua cay của các nhà phê bình nổi tiếng Brunetière, Mauras, Faguet, Gourmont. ở ta Hoài Thanh đã tỏ ra mẫn cảm với các nhà thơ lãng mạn, nhưng bối rối hay bàng quan trước thơ siêu thực.Trở lại châu Âu, ta thấy ở đây thường xuyên diễn ra sự thay ngôi đổi vị của nhiều tên tuổi văn học do tác phẩm của họ được các thế hệ phê bình hậu bối đọc lại. Sinh thời Stendhal không được mấy người biết đến để hơn nửa thế kỷ sau khi chết trở thành đại văn hào, trong khi ấy thì Anatole France và Romain Rolland sinh thời đã được tôn là đại văn hào, nhưng ngày nay thì lại không được mấy người tìm đọc. ở Anh Shakespeare chỉ trở thành Shakespeare sau hai thế kỷ bị quên lãng hay đánh giá thấp, còn John Donne, người cùng thời đại với Shakespeare, mà bây giờ người ta gọi là “nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất trong các nhà thơ Anh ngữ” (2) thì được phát hiện chỉ sau ba thế kỷ, và người phát hiện là nhà thơ và nhà phê bình gốc Mỹ Thomas Eliot (1888-1965). Phát hiện này đã dẫn đến việc lịch sử văn học Anh được viết lại, trong đó người ta phân định ra hẳn một thời đại văn học baroc - nửa đầu thế kỷ XVII, và không chỉ sáng tác của John Donne và các nhà thơ siêu hình khác, mà cả những bi kịch trứ danh nhất của Shakespeare cũng được xem là những tác phẩm điển hình của thời đại ấy (như vậy chúng đã không còn đại diện cho văn học Phục Hưng nữa). Do không bao giờ có thể yên tâm rằng tất cả mọi giá trị của văn học ngày hôm qua đã được phát hiện hết, cho nên người viết lịch sử văn học không thể chỉ dựa vào kết quả lao động của các thế hệ phê bình đi trước, mà phải tự mình khảo sát, khám phá lại di sản của quá khứ . Như vậy xét cho cùng, lịch sử văn học, cũng như lịch sử phê bình văn học, là lịch sử của những cuộc phiêu lưu của sự đọc.
5. Phê bình văn học quan hệ thế nào với lý luận văn học? Thực tế cho thấy không có giới tuyến cứng nhắc phân chia lý luận với phê bình. Tất cả những nhà phê bình lỗi lạc đều là những tay lý luận cừ khôi, nhà phê bình không có tư duy lý luận, chỉ nhận xét, đánh giá theo cảm tính không thể đi xa. Mặt khác, nhà lý luận văn học nào cũng phải am hiểu thực tại văn học, biết viện dẫn, phân tích những hiện tượng văn học làm luận cứ cho những quan điểm lý thuyết của mình. Tuy vậy, phê bình văn học và lý luận văn học vẫn có những địa hạt hoạt động riêng. Phê bình (và cả lịch sử văn học) là công cụ của sự tự ý thức của từng nền văn học dân tộc, còn lý luận văn học, nhất là những hệ thống lý luận thì tìm kiếm và xác định những yếu tố cấu thành và những quy luật vận hành chung cho mọi nền văn học. Không có lý thuyết văn học dân tộc, mọi lý thuyết đều mang hoặc hướng tới tính phổ quát. Xưa kia, khi giao lưu văn hoá chưa phát triển, mỗi khu vực văn hoá có hệ thống lý luận của mình, nhưng hệ thống ấy không biết đến những hệ thống khác cho nên xem mình là duy nhất. Trong thế kỷ vừa qua, khi thế giới bị phân chia thành hai phe đối kháng, phe xã hội chủ nghĩa của chúng ta xây dựng hệ thống lý luận văn học của riêng mình và xem nó là đúng đắn duy nhất, đối lập nó với tất cả các trường phái và hệ quan niệm lý luận phi mác-xit. Tính kinh viện, giáo điều và lỗi thời của hệ thống lý luận văn học ấy bây giờ đã quá rõ ràng. Nhưng cũng rõ ràng là không thể vay mượn nguyên xi của phương Tây một lý thuyết hay hệ quan niệm văn học nào bởi vì, với tất cả sự phong phú đa dạng, chưa có một lý thuyết hoặc hệ quan niệm nào vừa khái quát được những quy luật chung của sự hình thành và phát triển của văn học toàn thế giới, vừa phản ánh được đầy đủ những đặc điểm của từng nền văn học dân tộc. Trong tình hình ấy khoa học văn học của từng nước một có nhiệm vụ bằng những thành tựu của mình tích luỹ những dữ liệu cho sự kiến tạo trong tương lai một nền khoa học văn học chung của nhân loại. Phê bình văn học, phát hiện và phát hiện lại những hiện tượng đặc sắc của văn học nước mình, đóng góp thiết thực cho công việc xây dựng trong tương lai một lý thuyết văn học hoàn chỉnh và phổ quát.
6. Tuy sinh sau đẻ muộn, nền phê bình văn học của nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhớ, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ XX. Nếu hiện nay nó phát triển khó khăn thì là do một loạt nguyên nhân chủ quan và khách quan, xin chỉ đề cập lướt qua một vài nguyên nhân khách quan. Phê bình văn học không thể hoạt động năng sản, nếu không có bầu không khí thực sự dân chủ, không có sự tự do, cởi mở trao đổi những ý kiến khác nhau xung quanh hiện tượng này hay hiện tượng kia, vấn đề này hay vấn đề kia của văn học. Từ ngày đổi mới, đời sống văn học ở nước ta đã được dân chủ hoá một cách đáng kể, nhưng còn xa mới triệt để. Vẫn còn có thái độ e ngại những hoạt động văn học mang tính thuần tuý xã hội. Hội nghiên cứu-phê bình văn học chưa được tổ chức, mặc dù chúng ta có Hội sử học và rất nhiều hội nghề nghiệp khác. Chúng ta vẫn còn né tránh thảo luận công khai trên báo chí một số ấn phẩm văn chương gây được sự quan tâm của xã hội, trong đó có cả những ấn phẩm văn học dịch (thí dụ những tiểu thuyết của Mạc Ngôn). Đôi khi chúng ta trở lại với cách làm cũ của thời bao cấp tư tưởng: phát động chiến dịch phê phán một tác phẩm văn học nào đó (thí dụ, tiểu thuyết Những nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh) mà không cho tác giả và những người ưa chuộng tác phẩm ấy trình bày ý kiến của mình. Do những cách làm thiếu dân chủ như thế đời sống văn học dần dần trở nên phẳng lặng, buồn tẻ và trên cái nền phẳng lặng buồn tẻ ấy những cuộc tranh luận xung quanh sách giáo khoa văn học đụng chạm đến cá nhân này cá nhân kia lại được các giới báo chí và văn học quan tâm hơi quá mức.
Có một vấn đề nữa ngày càng trở nên hệ trọng. Những năm gần đây, chúng ta bắt đầu trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước cho những tác phẩm văn học và những công trình lý luận-phê bình văn học. Mọi giải thưởng đều là kết quả sự bình xét của một chủ thể nào đó, tức là thể hiện hoạt động phê bình của chủ thể ấy. Giải thưởng văn học cấp nhà nước thể hiện hoạt động phê bình văn học của nhà nước. Khi những giải thưởng ấy phù hợp với dư luận xã hội, giá trị của chúng được gia tăng, càng không phù hợp thì giá trị ấy càng giảm sút và có khi trở thành phản giá trị. Thiết nghĩ, chúng ta nên rút kinh nghiệm của những nước như Liên Xô cũ càng lạm phát giải thưởng cấp nhà nước thì càng thúc đẩy công chúng độc giả săn tìm những ấn phẩm của Samizdat. Mà những sản phẩm Samizdat thời nay, tức là Internet, thì lại quá nhiều và dễ truy cập.
7. Cuối cùng, xin trở lại vấn đề về đối tượng trung tâm của phê bình văn học. Nếu đối tượng ấy là tác phẩm văn học, thì nhà phê bình văn học thời nay, vừa là nghệ sĩ vừa là nhà khoa học, phải nắm vững lý thuyết hiện đại về tác phẩm văn học và vận dụng nó trong hoạt động phê bình của mình. Lý thuyết ấy trước hết đòi hỏi nhà phê bình (cũng như mọi người đọc) biết tiếp cận tác phẩm văn học như là một chỉnh thể, phân tích cấu trúc nội tại của nó, xác định quan hệ giữa các yếu tố cấu thành, vai trò của từng yếu tố trong việc tạo ra các lớp nghĩa của tác phẩm. Cách tiếp cận với tác phẩm như một chỉnh thể giúp nhà phê bình đạt được tính khách quan và toàn diện trong việc bình phẩm, đánh giá những hiện tượng văn học, tránh được sự chủ quan, phiến diện mà lối phê bình theo cảm tính đẻ ra, hạn chế được rất nhiều sự bất công hay thiên vị bắt nguồn từ những động cơ phi văn học. Nếu được tiếp cận trong chỉnh thể của nó, thì tiểu thuyết Những nỗi buồn chiến tranh đã không phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề như nó đã phải hứng chịu (chúng tôi trở lại với tác phẩm này bởi vì mười năm đã trôi qua kể từ ngày nó bị phê phán, nhưng trong văn học ta chưa xuất hiện một sáng tác nào cùng đề tài mà lại được công chúng độc giả tán thưởng như nó). Quán triệt phương pháp tiếp cận trong chỉnh thể, người ta sẽ không dễ ban phát những lời khen, thí dụ, cho những tập thơ mà trong đó lẻ tẻ có những câu thơ hay, nhưng không có những bài thơ hay. Ý thức được tác phẩm văn học là một cấu trúc mở, hình thành trong sự tiếp xúc giữa văn bản với người đọc và luôn luôn biến đổi do sự tiếp nhận khác nhau của các độc giả khác nhau và các thời đại khác nhau, nhà phê bình sẽ không ngộ nhận rằng bằng sự thẩm định kỹ lưỡng của mình đã vắt kiệt ý nghĩa của một hiện tượng văn học nào đó, đã nắm trong tay chân lý về nó. Ngay trong cách viết anh ta sẽ chừa những khoảng trống quan trọng để tiếp nhận những ý kiến, quan điểm không giống của anh ta. Được dân chủ hoá đến cùng và được đặt trên cơ sở khoa học nghiêm túc, phê bình văn học sẽ thực sự trở thành trường đua của các trí tuệ và các khiếu thẩm mỹ, nơi không có chỗ cho những tiếng nói quyền uy, hay cho những ý đồ ban phát ân huệ hoặc rửa những mối thù cá nhân. Chức năng cơ bản của phê bình văn học - xác lập những giá trị thẩm mỹ và xúc tác cho sự ra đời những giá trị mới - sẽ được thực hiện ngày một tốt hơn. Vừa là bộ phận của văn học, vừa là bộ phận của khoa học văn học, phê bình văn học sẽ ngày càng phát huy vai trò xã hội của mình, đóng góp thiết thực cho sự phát triển thăng hoa văn hoá nước nhà1
________________________
(1) Platon. Protagoras, 338 e - 339 a. Dẫn theo Encyclopaedia Universalis, vol. 13, p. 902.
(2) Encyclopaedia Britannica. Micropaedia. Vol.4, p 777, 778.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7/2004
Các tin khác
- Lời giới thiệu Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký (10/04/2013)
- Thơ và Phê bình Thơ (09/04/2013)
- Những giới hạn của phê bình văn học (09/04/2013)
- "Màu thời gian" - "Bông sáng tạo dâng lên bàn thờ đạo" (26/10/2012)
- Đọc tiểu thuyết "Sông" của Nguyễn Ngọc Tư, khảo về sự biến mất (16/10/2012)
nguồn: Viện Văn học
BÁ NHA - TỬ KỲ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét