Truyện ngắn của Đỗ Võ Cẩm Thạch - trích: Vòng nguyệt quế
Home >> Nội dung website >> KẾT NỐI >> Đường Văn
VÒNG NGUYỆT QUẾ - Đỗ Võ Cẩm Thạch
Truyện ngắn của Đỗ Võ Cẩm Thạch
VÒNG NGUYỆT QUẾ
Trọng Nghĩa sinh năm 1988, đến năm nay 2005 là mười bảy tuổi. Nghĩa đang học lớp mười một tại Plêi Ku. Bố Nghĩa là bộ đội ở Ban chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai, mẹ là nhân viên văn thư ở Sở Văn hóa – thông tin . Là người con hiếu thảo, hiếu học năm học nào Nghĩa cũng đứng nhất nhì lớp. Chính vì thế, năm nay Nghĩa được các thầy giáo cho đi tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh OLYMPIA” ở Hà Nội. Trước lúc Nghĩa đi Hà Nội, thầy giáo dạy Toán đưa cho Nghĩa một lá thư và nói :
- Thầy có một ông thầy giáo cũ ở Hà Nội, ông là một nhà giáo rất uyên bác ở nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Em hãy đến gặp ông trước khi tham dự cuộc thi . Thầy tin là em sẽ có thêm những tri thức thú vị !
Nghĩa đi Hà Nội có một mình, cũng như bố Nghĩa, hồi chiến tranh chống Mỹ, cũng một mình đi từ Quảng Bình ra Hà Nội để nhập trường đại học. Nghĩa thấy vui vui khi nghĩ rằng : bố mình đã tốt nghiệp đại học thì đến đời mình, nhất định cũng phải vào đại học, và còn phải phấn đấu học lên cao hơn nữa, người ta thường nói “Con hơn cha là nhà có phúc” đó sao ? Cuộc thi này là một thử thách bước đầu, nhất định mình phải vượt qua !...
Chuyến tàu Liên vận Tây Nguyên – Hà Nội đã tới ga Hà Nội rất đúng giờ. Nghĩa bừng tỉnh, đứng dậy định lấy cái ba-lô để trên giá đồ xuống nhưng cậu giật mình khi thấy chỗ để cái ba-lô đã trống không ! Toàn bộ hành lý của Nghĩa chỉ có cái ba-lô đó, vậy mà…Nghĩa giật mình khi nghĩ đến lá thư của thầy giáo : tên ông thầy của thầy giáo Nghĩa cùng địa chỉ nhà ông ghi ngoài bì thư chợt hiện lên rõ ràng trong đầu nghĩa : ông Nhân Sinh, số nhà XYZ, Ngõ Văn Chương !...Nghĩa lẩm nhẩm cái địa chỉ đó và xuống tàu, ra cửa ga và thuê một xe ôm đưa tới.
Đó là một căn nhà cấp bốn (theo lối gọi từ xưa ở Hà Nội) đã cũ, xen giữa hai tòa nhà cao chót vót, có cả sân thượng và cái mái ngói nhọn như một lưỡi rìu ! Nghĩa gọi cửa, chỉ hai phút sau có một ông già hơn sáu mươi tuổi, tóc đã bạc phơ, bước ra.
- Chào ông ! Ông là ông Nhân Sinh ? – Nghĩa lễ phép hỏi .
- Cậu là Trọng Nghĩa phải không ? - Ông già vừa mở cửa, vừa nói.
Nghĩa ngạc nhiên thì ông già kéo Nghĩa vào nhà và nói :
- Thầy giáo của cậu đã gọi điện cho ta từ hôm qua. Sao, bị mất hành lý rồi hả ?
- Sao ông lại biết ? – Nghĩa lại ngạc nhiên, trố mắt nhìn ông già – ông cứ như là ông Tiên trong chuyện cổ tích !
Ông Sinh mỉm cười hiền hậu :
- Nhìn bộ dạng của cậu thì kẻ trộm nó bám đuôi ngay ! Sự đời có mất có được ! Thôi, đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. Giờ sắp tối rồi, cậu đi tắm rửa rồi ăn cơm, tôi đã chuẩn bị thết đãi cậu xong đâu vào đó ! Tôi còn hai bộ quần áo rất mới, cậu mặc chắc sẽ rất vừa !
Nghĩa tắm xong thì bữa cơm đã được dọn ra tươm tất, không cầu kỳ nhưng toàn là những món Nghĩa rất thích : Thịt ba chỉ luộc, đậu đũa xào với khoai tây, cà-rốt, cá chép món rán, món nấu canh ! Nghĩa cảm thấy chưa bao giờ mình được ăn một bữa cơm ngon lành như thế !...
Ông Sinh sống độc thân. Căn nhà bày biện đơn giản, chỉ có một cái bàn làm việc lớn, các bức tường đều treo kín loại giá sách bằng sắt, bên dưới những giá sách là những tủ nhỏ không có cửa, đựng đầy những tượng gỗ, tượng đá đủ các kiểu, trên mặt tủ là những đồ trông rất lạ mắt ! Trong lúc ông Sinh đang khoan khoái uống từng ngụm nhỏ trà Thái thơm sóng sánh và hít hà từng hơi điếu thuốc lá cuốn to đùng thì Nghĩa dán mắt vào những giá sách đủ loại, đủ kiểu. Nghĩa thầm nghĩ, số sách này của ông có lẽ đã có từ hơn bốn mươi năm trở lại đây, có nhiều cuốn Nghĩa chỉ mới nghe nói đến tên sách chứ chưa hề được đọc. Nghĩa mừng thầm vì nghĩ rằng trong một tuần ở đây với ông già, Nghĩa sẽ đọc hết những cuốn mà mình thích !
Hút xong điếu thuốc lá cuốn, ông Sinh thong thả nói :
- Cháu thật là may mắn vì được là học trò cưng của thầy giáo Toán. Ngày xưa, thầy Toán của cháu cũng là học trò cưng của ông đấy. Mới thoạt nhìn cũng có cái dáng vẻ thật thà, hiền lành như cháu bây giờ. Thầy Toán đã gửi cháu cho ông thì cháu cứ yên tâm, cháu ở đây sẽ rất thoải mái, tự do !
- Cháu sẽ điện cho bố mẹ gửi tiền ra, gói tiền một triệu đồng cháu để ở đáy ba-lô chắc là bọn trộm đã đem đến quán rượu và tiêm chích hết ! Cháu thật là vô dụng, cháu rất đau buồn vì đó là tiền công mẹ cháu đánh máy thuê suốt một tháng trời !
Nghĩa suýt bật khóc khi nghĩ đến số tiền đã bị mất và cậu cũng cảm thấy ái ngại khi thấy ông Sinh sống rất thanh đạm trong căn nhà nhỏ đơn sơ này. Dường như ông Sinh đã đọc được ý nghĩ trong đầu Nghĩa, ông mỉm cười, nhẹ nhàng nói :
- Ông tuy nghèo nhưng không đến nỗi túng thiếu. Ông vừa mới được người ta in hai cuốn sách, đủ nuôi cháu cả tháng chứ đâu chỉ một tuần, thôi khỏi lo chuyện tiền nong. Nếu cháu mệt thì đi ngủ, mai ông cháu ta sẽ nói chuyện nhiều !
Nghĩa vội nói ngay :
- Cháu đã ngủ trên tàu nhiều lắm rồi ! Cháu chỉ được ở bên ông có một tuần, cháu muốn nói chuyện với ông thật nhiều. Thầy Toán cháu có dặn là : ông là một cái kho kiến thức vô tận, phải tận dụng hết thời gian để khai thác !
Ông Sinh bật cười :
- Nếu tri thức mà cũng truyền được ngay tức thì như người ta truyền công lực trong các phim chưởng Hồng Kông thì ông sẽ truyền hết ngay cho cháu ! Tiếc thay, tri thức lại cần tích lũy qua thời gian, như kiến tha lâu đầy tổ, như con ong mải miết bay đi kiếm từng giọt mật mỗi ngày !...
Nghĩa như đang mơ màng thả ý nghĩ bay đi tới tận những cánh đồng xa đầy hoa thơm cỏ lạ như những con ong mật thì từ trên mái nhà một tiếng “rầm” rất to phá tan sự thanh tĩnh của hai ông cháu. Tiếp theo là “rần, rần…”, như là tiếng động của một vật nặng đang lăn trên mái tôn. Quả đúng là như vậy vì chuỗi tiếng động ấy được kết thúc bằng tiếng “phịch” của một vật nặng rơi xuống đất ! Đồng thời với âm thanh nặng nề đó là tiếng tri hô “Trộm ! Trộm ! Bắt lấy nó !” Thì ra là có một tên trộm định lẻn vào ăn trộm ở nhà lầu bên cạnh nhà ông Sinh nhưng bị chủ nhà phát hiện vội bỏ chạy và rơi xuống mái nhà của ông Sinh ! Nghĩa vừa nghĩ đến đó thì “Rầm !”, tiếng động rất lớn này không chỉ ở trên mái nhà mà từ mái nhà rơi thẳng xuống sàn nhà, và điều tồi tệ nhất đã xảy ra : mấy thanh đòn tay, xà nhà, mái tôn và cả người một tên trộm nữa rơi trúng nơi ông Sinh và Nghĩa đang ngồi uống trà ! Nghĩa bị mái tôn đập lên đầu, khiến cậu choáng váng tối tăm mặt mũi, nhưng vốn có sức khỏe rất tốt, Nghĩa tỉnh táo lại rất nhanh và thấy một thanh xà gỗ khá to đã rơi trúng đầu ông Sinh, làm cho ông ngất xỉu ngay, máu chảy đầm đìa trên mặt ! Nghĩa vội nâng cái mái tôn ra, nhấc thanh xà gỗ ra và bế ông Sinh ra gần cửa, nơi để chiếc máy điện thoại và gọi cấp cứu. Chỉ ba phút sau, xe cấp cứu đã tới đưa ông Sinh vào bệnh viện !...
Đêm hôm ấy, Nghĩa đã ở trong bệnh viện suốt đêm với ông Sinh, gần tới sáng, tức khi chân trời ửng hồng, ông Sinh mới tỉnh lại. Ông Sinh nói với Nghĩa :
- Cháu hãy về nhà trông nhà cho ông, kêu ngay thợ tới sửa lại ngay cái mái nhà. Chắc chỉ hai ngày nữa ông sẽ ra viện, cháu không phải lo lắng gì cho ông !
Sau hai ngày, Nghĩa đã kêu thợ sửa xong mái nhà cho ông Sinh, nhưng ông vẫn chưa ra Viện. Nghĩa vào bệnh viện thì thấy sức khỏe ông Sinh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, các bác sĩ vẫn chưa cho về, giữ lại để theo dõi !
Thế là trong năm ngày sau đó, ngoài những lúc đến bệnh viện thăm ông Sinh, Nghĩa vùi đầu vào cái kho sách muôn màu muôn vẻ của ông Sinh. Ở cái kho sách này có rất nhiều điều thật mới lạ, thật hấp dẫn. Chỗ nào cảm thấy chưa hiểu, Nghĩa lại đến bệnh viện hỏi ông Sinh. Mỗi lần nghe ông Sinh nói, Nghĩa lại thấy mình như lớn thêm một chút, đầu óc như sáng ra một ít . Quả là chính xác khi có câu thành ngữ nói rằng “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”! Nghĩa nhớ mãi những điều ông Sinh nói về lời nói của con người. Ông bảo, lời nói thể hiện bản chất, tính cách, tư chất của con người ta. Cứ nghe ai đó nói vài ba câu, thậm chí chỉ cần một câu nói cũng biết người đó là ai, tốt hay xấu, sang hay hèn, giỏi giang hay ngu dốt. Chẳng hạn đứng trước một dòng sông thì ngư dân nói : ở đây hẳn có nhiều cá, nhà thơ sẽ nói : “Đôi ta cách một con sông, muốn sang anh ngả cành hồng cho sang”, còn người lính sẽ nói gì, cháu biết không?
Nghĩa nói ngay : người lính sẽ nói : “Nước sông công lính !”. Ông Sinh cười : “Cháu ứng đối thật là linh hoạt. Con quân nhân có khác. Ông cháu cũng là lính chứ gì ! Có thể tổ phụ của cháu cũng là một người lính !...Cháu nên nhớ, dân tộc ta đã phải chiến đấu từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến mùa xuân đại thắng 1975 để thực hiện câu nói của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Công lao của người lính thật là lớn. Vậy mà thế hệ học trò các cháu bây giờ dường như không hề biết đến điều đó. Ông rất buồn khi thấy trong kỳ thi “Đường lên đỉnh OLYMPIA” kỳ vừa rồi, một em thí sinh đã không trả lời được câu hỏi “Nhằm thẳng quân thù mà bắn !” là câu nói gắn với tên tuổi người anh hùng nào trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ? Cháu có biết câu nói đó là của ai chứ ? Nghĩa đáp : “Dạ, cháu biết, đó là câu nói của anh hùng Nguyễn Viết Xuân. Quê hương đất lửa Quảng Bình của cháu ai cũng biết câu nói nổi tiếng đó” !
Ông Sinh hít một hơi dài rồi nhẹ nhàng thở ra, như vừa nén một cơn đau rồi cười nói : “Quả nhiên là như vậy, nếu không thì chỉ với súng trường làm sao những cô dân quân, những lão bạch đầu quân bắn rơi được máy bay Mỹ ! Ông muốn nói thêm để cháu hiểu hoàn cảnh ra đời của câu nói đó. Lúc đó, “Không lực Huê Kỳ” như một con ngáo ộp, chỉ nguyên tiếng gầm rú của động cơ máy bay cũng khiến cho người yếu bóng vía “vãi linh hồn”, cho nên người anh hùng Nguyễn Viết Xuân, bằng khẩu lệnh chiến đấu đó đã giúp tất cả chúng ta tạo nên một dáng đứng Việt Nam thật oai hùng ! Và cũng thật ngẫu nhiên, nhà thơ Lê Anh Xuân cũng đã làm nên một bài thơ để đời về điều đó, bài Dáng đứng Việt Nam thật là đẹp, thể hiện rõ khí phách của dân tộc ta trước nạn ngoại xâm ! Những điều này, thế hệ trẻ các cháu không thể không biết !”
Thời gian trôi đi thật nhanh khi người ta muốn làm được nhiều việc. Thế rồi ngày Nghĩa tham dự cuộc đua “Đường lên đỉnh OLYMPIA” cũng đến. Ông Sinh đã dự định đến trường quay để làm “cổ động viên” cho Nghĩa, nhưng đến phút chót, sức khỏe của ông Sinh lại “có vấn đề”, thế là ông đành nằm ở bệnh viện mà theo dõi trên ti-vi !
Nghĩa vượt qua phần “Khởi động” một cách dễ dàng, cậu không ngờ câu hỏi lại dễ như thế : tháng 1 còn gọi là tháng gì ? Trời ơi, năm nào mà không dùng hết một “lốc” lịch treo tường, trong đó người ta đã in rõ “Tháng Giêng” ở phần dưới tờ lịch ! Còn câu hỏi “Ngựa ô có màu gì ? “khiến Nghĩa suýt bật cười vì đây là câu hỏi trong một cuộc thi “Bé khỏe bé ngoan” ở tỉnh Nghĩa từ hai năm trước ! Và Nghĩa cũng thật ngạc nhiên khi thấy các bạn thi của mình có những sai sót thật ngớ ngẩn : Ngày Rằm tháng Giêng từ năm 2003 đến nay được lấy làm “Ngày thơ Việt Nam” thì lại trả lời là “Ngày chống bệnh “si-đa”, hoặc câu thơ của Hồ Chủ tịch “Quân ta thế mạnh nuốt Ngưu Đẩu” thì lại nói là của Nguyễn Trãi !...
Nghĩa đã kết thúc câu hỏi cuối cùng trong phần “Về đích” khi nhận được câu hỏi : “Hãy nêu ba câu nói nổi tiếng và ngắn gọn của một triết gia, một nhà thơ và một lãnh tụ ?”. Nghĩa nhớ ngay đến trong một cuốn sổ ghi chép đã rất cũ của ông Sinh có ghi những câu nói rất hay và trả lời liền : “Nhà triết học Đề-các nói : Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại ; Nhà thơ Gớt nói : Phải hành động, còn lãnh tụ thiên tài V.I. Lê-nin nói Phải biết ước mơ !”. Tiếng vỗ tay rào rào, Nghĩa nghĩ đến ông Sinh, chắc là ông rất vui ! Nghĩa đã đoạt được Vòng nguyệt quế với tổng số điểm là 370 ! Vừa bước ra khỏi chỗ thi, Nghĩa chạy ngay đến bệnh viện. Nhưng Nghĩa đã đến quá muộn, ông Sinh đã đột ngột ra đi ! Cô y tá đưa cho Nghĩa mảnh giấy có những chữ viết run run của ông Sinh : “Nghĩa ! Ông tin là cháu sẽ đoạt được Vòng nguyệt quế ! Ông để lại cho cháu tất cả tài sản của ông còn lại ! Chúc cháu thành công ! Ông của cháu : Nhân Sinh”.
Nghĩa cầm tờ giấy của ông Sinh, sửng sốt, bàng hoàng rồi òa khóc ! Đây là lần đầu Nghĩa cảm nhận được nỗi đau cào xé tâm can của sự mất mát lớn lao : mất đi người mình kính yêu, cảm phục, gắn bó, thân thiết như là ruột thịt ! Tuy mới ở bên ông Sinh đúng một tuần, nhưng Nghĩa thấy ông như một người bạn thân, như người thầy, như người cha, như người ông…Nghĩa không thể tin được rằng ông đã ra đi mãi mãi !
Nghĩa điện thoại cho thầy Toán báo tin về cái chết của ông Nhân Sinh. Ngay hôm sau, thầy Toán đã đáp chuyến bay Plêi Ku- Hà Nội. Thầy Toán vừa nhìn thấy Nghĩa liền ôm chầm lấy Nghĩa mà khóc như trẻ con ! Thầy Toán cứ nói mãi câu : “Thầy Sinh ơi, con đã hại chết thầy rồi ! Vì con bảo thằng Nghĩa nó đến ở với thầy mà thầy gặp nạn ! Đáng lẽ tháng này thầy đi Tây Nguyên cơ mà !” Trời ơi ! Nghĩa mà biết ông Sinh có kế hoạch đi Tây Nguyên thì Nghĩa sẽ không đến nhà ông Sinh nữa ! Có lẽ nào Nghĩa lại là nguyên nhân gây ra cái chết của ông Sinh ? Còn hai thằng kẻ trộm rơi trên mái nhà kia ? Tại sao chúng lại rơi xuống mái nhà ông Sinh đúng lúc ông đang ngồi ở giữa nhà ? Tại sao ? Tại sao lại như vậy ? Nghĩa không thể nào giải thích được những điều đó, Nghĩa hoảng sợ, cứ ôm chặt lấy xác ông Sinh mà khóc nức nở. Nước mắt của Nghĩa ướt sũng ngực ông Sinh…
Đúng lúc thầy Toán kéo Nghĩa ra khỏi ông Sinh để chuẩn bị liệm thì hai thầy trò cùng trố mắt kinh ngạc khi thấy miệng ông Sinh mấp máy và một giọng nói ấm, trầm từ miệng ông Sinh phát ra:”Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại!”. Cả thầy Toán và Nghĩa cùng đứng ngây ra một lúc rồi cùng nhào tới ông Sinh. Điều kỳ diệu đã xảy ra: ông Sinh đã sống lại! Ông Sinh nhìn thầy Toán và Nghĩa mỉm cười! Nghĩa nghĩ rằng ông Sinh cười vì hài lòng với thành tích đoạt vòng Nguyệt quế của Nghĩa, còn thầy Toán thì nghĩ rằng ông Sinh cười vì ông vừa chiến thắng tử thần! Nhưng cả hai thầy trò thầy Toán đều không biết rằng họ đã nhầm vì nụ cười lúc đó của ông Sinh là nụ cười của ước mơ: ông đang ước thời gian quay ngược lại cái hồi ông bằng tuổi Nghĩa để đi thi “Đường lên đỉnh OLYMPIA” và chắc chắn là ông sẽ đoạt được Vòng Nguyệt quế!...
TP.Hồ Chí Minh, 2005-2009
Đỗ Võ Cẩm Thạch
Phongdiep.net
Đường Văn :: |
Người con trai chuyển chỗ sang ngồi bên cạnh người con gái, họ khẽ hôn nhau . Người con trai thỉnh thoảng lại nói : “Thế mà anh cứ nghĩ là không bao giờ còn tìm được em !”. Còn người con gái thì nghĩ : “Đây là lần đầu tiên mình đến với núi rừng Tây Nguyên xa lạ. Mình có bao giờ làm y tá đâu ?( Truyện ngắn của Đỗ Võ Cẩm Thạch ) - Ngày đăng: 03/04/2009. Lần đọc: 1826 . Cập nhật bởi: DiepAnh
|
Ở huyện Mây Vàng, tỉnh Mây Xanh có hai anh học trò nổi tiếng học giỏi nhất huyện rồi nhất tỉnh suốt thời gian học trung học phổ thông. Hai người học giỏi ngang nhau nhưng đợt xét chọn đi học nước ngoài năm ấy chỉ có một chỉ tiêu cho trường hai người đang học, cho nên chỉ có người tên Thăng được chọn - Ngày đăng: 24/04/2009. Lần đọc: 3475 . Cập nhật bởi: DiepAnh
|
Văn Tình là một thanh niên vượt trội về mọi mặt, chỉ có một điểm yếu là gia cảnh rất nghèo túng…Tuy nhiên, Thần Tình Yêu không buông tha chàng trai nghèo và Văn Tình yêu đến mê si cô Mộng Tuyết. (Đỗ Võ Cẩm Thạch) - Ngày đăng: 05/05/2009. Lần đọc: 3708 . Cập nhật bởi: DiepAnh
|
Năm Ruộng là một nông dân loại lực điền hoàn hảo, được cha mẹ lấy cho cô vợ tên gọi Tám Thôn, cũng là một thôn nữ không chê vào đâu được. Vợ Năm Ruộng đã đẻ hai đứa con trai, vậy mà cả hai đứa chẳng đứa nào giống Năm Ruộng - Ngày đăng: 31/05/2009. Lần đọc: 3425 . Cập nhật bởi: DiepAnh
|
Có một người lính bị thương do bom na-pa, khuôn mặt bị biến dạng nhìn thật dễ sợ! Chính vì vậy mà sau khi lành vết thương, anh không dám trở về nhà, vì sợ rằng mẹ anh và nhất là vợ anh sẽ không chịu đựng nổi bộ mặt biến dạng của mình - Ngày đăng: 07/06/2009. Lần đọc: 3373 . Cập nhật bởi: DiepAnh
|
Đó là một căn nhà cấp bốn đã cũ, xen giữa hai tòa nhà cao chót vót, có cả sân thượng và cái mái ngói nhọn như một lưỡi rìu ! Nghĩa gọi cửa, chỉ hai phút sau có một ông già hơn sáu mươi tuổi, tóc đã bạc phơ, bước ra - Ngày đăng: 09/04/2009. Lần đọc: 1072 . Cập nhật bởi: DiepAnh
Hành trình 10 năm "lột xác" của Thủy Tiên
| ||